LTS: Sau khi Chuyên trang Ô tô- xe máy của VietNamNet đăng bài viết "Tiến sĩ đi ô tô ngồi bàn chuyện cấm xe máy thì sao?" hôm 11/1, độc giả Trương Công Vinh, một cựu nhân viên Senior of ‎VinaCapital đã có bài viết phản hồi đầy trăn trở về sự an toàn của ô tô và xe máy hiện nay.

Chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết với mong muốn góp cái nhìn đa chiều về chủ đề này, khi tính thời sự đang ngày một nóng hổi bởi hàng loạt vụ việc ô tô đâm xe máy xảy ra liên tiếp trong hơn 10 ngày qua. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả.

Với cách nhìn của một cựu nhân viên Senior of ‎VinaCapital, tôi xin gửi vài dòng với cách nhìn tổng thể, mong muốn cuộc sống chúng ta không những đẹp hơn mà phải thật sự an toàn hơn.

Tôi hiện đang tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy. Tôi mong muốn nhìn thấy đất nước chúng ta có hệ thống giao thông công cộng an toàn và không nhìn bằng hình ảnh xe máy khắp nơi như hàng triệu tử thần đang hội quân nữa, mạng sống con người dân ta bị xem quá nhẹ và rẻ.

So 1 ô tô bằng bao nhiêu xe máy: So gà với vịt

TS Huỳnh Thế Du trong bài viết "Tiến sĩ đi ô tô ngồi bàn chuyện cấm xe máy thì sao?" có nhận định và đưa ra các thông tin thống kê về so sánh các vụ tai nạn, tỷ lệ tham gia của các loại phương tiện nhưng lại không nhìn thấy mật độ và bằng chứng. Nó khác nào nói như các cơ quan nhà nước luôn nói nhưng bằng chứng và cách xử lý thì...mù tịt. 

{keywords}
Giấc mơ về cuộc sống an toàn của người đi xe máy

Phần so sánh 1 xe ô tô bằng bao nhiêu xe máy, tôi nghĩ theo kiểu so con gà với con vịt, đều kiểu dáng giống nhau, chỉ khác sơ sơ là con bơi được con không bơi. Lý thuyết hay thực tế nào so vậy được? Quá không phù hợp.

Còn nói bình dân chút, nếu các trường hợp xe "điên" như vậy diễn ra, tôi tin xe "điên" có đâm thì bus hay ôtô vẫn không thiệt hại nặng về người như cách xe điên đâm vào xe máy. Ô tô hay phương tiện giao thông công cộng bảo vệ người bên trong tốt hơn xe máy kể cả khi bất khả kháng từ yếu tố vô điều kiện hoặc tự nhiên. Vậy xe "điên" do người "điên" hay xe nó "điên"? Nếu người "điên", hình phạt cho họ đủ răn đe chưa?

Theo tôi chưa, chưa hề! 

Theo anh Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, phần lớn người Việt Nam phụ thuộc vào xe máy là đúng. Vì điều kiện quá thuận lợi để họ có được như: giáo dục, kinh tế, đời sống, thói quen, kinh doanh..... Vậy ta phải làm theo à? 

Tôi không tin tư duy đó của một ông chủ sàn chứng khoán hay gần đây là người thẩm định đầu tư kinh doanh mới. Tôi nghi ngờ!

Nhiều người làm vận tải xe máy là có, nhưng cách làm vận tải đó chưa thoả đáng! Họ kiếm cơm nhưng họ bất chấp mạng sống người khác thì cơm họ kiếm thấm đầy máu. Họ vì cuộc sống cá nhân họ nhưng sự tác động của họ khiến nhiều gia đình lâm vào bi kịch.

Ví dụ, ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, việc giao nhận hàng vẫn còn mô hình bằng xe máy, nhưng họ có quy hoạch đội nhóm, giờ hoạt động, giờ lưu thông, vị trí được phép lưu thông... Sao ở mình không làm được khi có giao thông công cộng thay thế xe máy?

Xe máy chỉ nên dùng khi thực sự đường đi an toàn

Thu nhập ở Việt Nam còn thấp là đúng, vì quy hoạch giao thông đồng nghĩa quy hoạch tổng thể các môi trường tham gia thay đổi như đường bộ, phân bổ khu vực kinh doanh, tuyến giao thông, thời gian hoạt động.... nên họ quá tốn chi phí cho tài sản lưu thông cá nhân mà đâu có cơ hội tiết kiệm khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Chưa kể đường đi bộ ở Việt Nam chỉ là làm cảnh cho vui như ở Tp HCM thì có phố đi bộ Nguyễn Huệ hay phố sách, chứ các con đường khác bị lấn chiếm vỉa hè lấy đâu ra cho người đi bộ lưu thông an toàn đến các trạm bus?

Cũng xin nói thêm, tàu thì chưa biết khi nào có dù đã khởi công 11 năm tuyến metro số 1 ở tp HCM. Đất không kiểm soát giá và thuế thì chả có bao nhiêu nhưng đền bù là thứ đốt sạch ngân sách khi giải toả. Vậy nên đường ở Tp HCM quá nhỏ so với dân cư hiện sống.

Ở vài nước có giao thông công cộng tốt, người dân có thể đi bộ lên đến vài Km khi đi từ nhà đến trạm.

Ba tôi khi đi xe máy, đã bị một bạn đi xe máy giao hàng va phải và bỏ chạy, bỏ mặc ba tôi chỉ vì sợ trách nhiệm. Tôi không trách vì nếu họ không có đạo đức và họ vì nuôi sống bản thân thì đó là hành động theo bản năng. Bản năng xấu nhiều cũng không lạ khi nền giáo dục có tập trung vào dạy đạo đức, người ta có thể làm giàu bất chấp.

Nhưng nếu ba tôi bị nặng và không qua khỏi, tiền anh bạn giao nhận kia kiếm được, gia đình hay chính anh bạn ấy sử dụng có thoát khỏi máu tanh?

Nhưng cuộc sống hiện nay, hàng triệu đứa trẻ ‎và người dân vẫn bị xem thường mạng sống vào các loại hình kinh doanh bằng xe máy. Tất cả chỉ là để bảo vệ gia đình và cá nhân họ, bất chấp có thể gây hại đến mọi người.

Tôi hy vọng một ngày gần trong tương lai, giáo dục sẽ làm rõ hơn việc tham gia giao thông và sự nguy hiểm tiềm ẩn và cần thẩn trọng đến thế nào?

Xe máy chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết và môi trường giao thông an toàn, có làn đường riêng và khu vực cho phép lưu thông riêng. Ô tô cũng vậy.

Thay thế vào đó là hệ thống các dãy đường có hành lang đi bộ an toàn không bị lấn chiếm, có các trạm xe bus an toàn, tài xế có tâm đức, lái dừng đúng quy trình và không đi nguy hiểm, tốc độ đi nội đô an toàn, xe tiêu chuẩn an toàn, tuyến đi linh hoạt và giờ tham gia vận tải xuyên suốt.

Khi tất cả chúng ta tôn trọng và bảo vệ người cùng tham gia giao thông và bản thân mình, tôi tin chắc cuộc sống và môi trường sống sẽ tốt đẹp hơn, nhân văn hơn và an toàn hơn. Ít nhất là hơn tại thời điểm này. 

Độc giả Trương Công Vinh

Cấm xe máy thì người dân phải sống như thế nào? Ô tô và xe máy, phương tiện nào an toàn hơn? Môi trường nào an toàn cho người đi xe máy? Mọi ý kiến chia sẻ của bạn đọc xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

Tiến sỹ đi ô tô bàn chuyện cấm xe máy thì sao?

Tiến sỹ đi ô tô bàn chuyện cấm xe máy thì sao?

 “Đi ô tô ngồi bàn chuyện cấm xe máy mà chẳng hiểu cuộc sống của người đi xe máy, chả nhẽ không ngại người đi xe máy đưa giải pháp cấm ô tô?”