Loài rắn Hognose Bắc Mỹ hay rắn zombie hoặc rắn mũi hếch có một đặc tính khá thú vị. Khi cảm thấy bị đe dọa, đa số các loài rắn thường đưa ra dấu hiệu cảnh báo ví dụ như phùng mang hoặc rung đuôi để cảnh báo đối phương về việc nó có thể tấn công bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên với loài rắn Hognose Bắc Mỹ, chúng lại không như vậy. Thay vào đó, rắn Hognose lại giả chết để đánh lừa đối phương.
Để xua đuổi các mối đe dọa, ban đầu con rắn hút không khí vào và đẩy phần mang phình lên giống như loài rắn hổ mang. Chúng cũng tạo ra các tiếng rít và cho thấy nó đang rất kích động. Nhưng nếu các chiêu thức này không phát huy hiệu quả và khiến đối phương sợ hãi, nó lại có một mánh khỏe khác đó là giả vờ chết.
Theo chuyên trang tổng hợp thông tin về các loài động vật lưỡng cư và bò sát Amphibians and Reptiles of North Carolina, nếu kẻ săn mồi không cảm thấy sợ hãi trước những màn đe dọa, thậm chí mổ về phía trước của con rắn, nó sẽ giả vở chết bằng cách mở miệng, lăn và quằn quại một lúc trước khi nằm ngửa để báo hiệu rằng nó đã chết.
Thậm chí nó có thể ngừng thở, tỏa mùi kinh khủng để tăng tính thuyết phục cho cái chết. Tất nhiên sau khi kẻ thù đi khuất, nó sẽ lại bò thật nhanh để chay thoát khỏi kẻ thù.
Có thể coi trong thế giới động vật, rắn Hognose là một diễn viên thứ thiệt và nó xứng đáng có được giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất trong lễ trao giải Oscar dành cho các loài động vật. Hầu hết các đối thủ của rắn Hognose đều không mấy nghi ngờ trước cái chết hết sức "thuyết phục" của nó.
Đa số đều bỏ đi vì nghĩ rằng con rắn thực sự đã chết. Có rất ít loài đủ sự tinh tường và xảo quyệt để biết âm mưu của con rắn. Nhưng nếu chúng đã biết mánh khóe giả chết của rắn Hognose, nó có thể sẽ bị chết trong tuyệt vọng.
Dưới góc nhìn khoa học, hành động trên của loài rắn Hognose thực chất là một cơ chế phòng vệ của nó và nó quả thực phát huy hiệu quả rất lớn. Nhưng lý do đằng sau hiệu quả của hành vi giả chết này mới thực sự bất ngờ. Đa số các loài đều ưa thích con mồi phải tươi ngon và chính tay chúng giết và ăn thịt.
Nhưng khi chứng kiến con mồi giãy dụa và chết bất ngờ trước khi kịp tấn công, chúng có thể nghi ngờ và coi đó là dấu hiệu của việc con mồi đã bị bệnh hoặc ngộ độc mà chết. Do đó không phải loài nào cũng dám ăn thịt những con mồi tự chết trước khi bị giết.
Ngoài ra có một số phỏng đoán cho rằng, do loài rắn này thường hay săn cóc độc nên rất có thể chúng đã lưu trữ chất độc trong người và chỉ tiết qua da trong lúc giãy dụa. Nếu kẻ săn mồi ngửi thấy mùi lạ, đặc biệt là mùi chất độc chúng sẽ không dại tiếp cận gần con rắn giả vờ chết.
Tuy thuộc họ rắn nhưng rắn Hognose lại không độc như nhiều họ hàng của chúng. Chúng hiếm khi cắn người và thường chỉ săn những loài vật nhỏ, bao gồm cả các loài lưỡng cư và gặm nhấm. Dù trời không phú cho chúng công cụ để săn mồi như nọc độc và răng nanh sắc nhọn nhưng lại cho chúng tài nghệ diễn xuất ấn tượng đến khó tin.
Theo GenK