Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 16.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn là các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình với quy mô manh mún, không có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý.
Hiện nay, công tác quản lý các dữ liệu về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói trên của 3 ngành (Y tế, Công thương, NN&PTNT) tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đang thực hiện thông qua file excel và lưu trữ hồ sơ gốc.
Việc chưa có biểu mẫu thống kê thống nhất giữa các ngành, các cấp dẫn đến khó khăn, bị động trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin, tổng hợp báo cáo; bên cạnh đó là nguy cơ mất dữ liệu nếu không có phần mềm bảo vệ.
Thêm vào đó, các dữ liệu về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo tái sử dụng dữ liệu, giảm thời gian cập nhật dữ liệu đầu vào tại các cơ quan có liên quan,…
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị thống nhất phương án tham mưu đề xuất nhiệm vụ "Triển khai hệ thống thông tin về ATTP tỉnh Ninh Bình".
Tại hội nghị, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai một số nội dung liên quan đến xây dựng Hệ thống phần mềm thông tin về ATTP tỉnh Ninh Bình: mục tiêu, nội dung (các modun, các trường dữ liệu, tiện ích); quy mô, lộ trình triển khai thực hiện hệ thống phần mềm dùng chung cho 3 ngành; khái toán kinh phí thực hiện...
Các đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã trao đổi, thảo luận, nêu lên những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện "Hệ thống thông tin về ATTP tỉnh Ninh Bình" để có sự phối hợp, thống nhất trong triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Việc triển khai Hệ thống thông tin về ATTP tỉnh Ninh Bình nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATTP, hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao khả năng dự báo, lập kế hoạch về ATTP; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin cơ bản về cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm; tăng cường hiệu quả công tác quản lý ATTP, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, yêu cầu đặt ra là phần mềm phải hỗ trợ tối đa cho công việc, đảm bảo giảm được từ 40-50% khối lượng công việc so với làm thủ công. Phần mềm cần có các chức năng, tiện ích phong phú hỗ trợ bảo mật, cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, phục hồi và báo cáo theo yêu cầu quản lý thông suốt từ tỉnh xuống xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP và được kết nối với Đề án 06.
Trước đó, tháng 5/2023, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hệ thống thông tin về ATTP.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu/phần mềm hệ thống thông tin về ATTP tại địa phương, đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06). Triển khai cập nhật dữ liệu trên hệ thống thông tin về ATTP của địa phương, đảm bảo người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được các thông tin cơ bản.
Ngày 15/5, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành văn bản về việc triển khai hệ thống thông tin về ATTP. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai Hệ thống thông tin về ATTP trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Bộ Y tế, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế theo đúng quy định của pháp luật.