- Bộ TT&TT xác định việc xây dựng và triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các Tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực thông tin - truyền thông là một nội dung trọng điểm trong Chương trình hành động để "Hội nhập Quốc tế".
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ICTPress |
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 về Hội nhập Quốc tế và Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 31 về chương trình Hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 22.
Phát biểu tại Hội nghị Hợp tác Quốc tế "Thông tin và truyền thông: Hội nhập trong thời kỳ mới" diễn ra sáng nay (25/8), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ TT&TT đã tích cực họp với các đơn vị trực thuộc nhằm tập hợp ý kiến đóng góp để xây dựng chương trình hành động riêng của Bộ, theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết Chính phủ. Sau Hội nghị này, các ý kiến sẽ được tiếp thu một lần nữa để hoàn thiện Chương trình hành động cuối cùng trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ TT&TT sẽ thực hiện các chương trình Phát thanh - Truyền hình để tuyên truyền về Hội nhập Quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, thông tin về Việt Nam tới các nước trên thế giới, thông qua các mối quan hệ hợp tác về PT-TH, các hoạt động trao đổi phóng viên viết bài. Đồng thời, Bộ cũng tiến hành xây dựng, triển khai các dự án trọng điểm trong Quy hoạch PT-TH đối ngoại đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Chương trình Hành động nêu rõ Bộ TT&TT cần tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền 2 nghị quyết 22/BCT và 31/CP trong toàn ngành; Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020; Tổ chức thực hiện đề án của Chính phủ về tuyên truyền và quảng bá về ASEAN giai đoạn 2014 - 2015.
Không chỉ đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực truyền thông, một nội dung rất quan trọng của Chương trình Hành động là phải xây dựng thể chế, nâng cao năng lực hội nhập. Có nhiều "đầu việc" cụ thể để triển khai nội dung này như tăng cường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ những quy định luật pháp không phù hợp với cam kết quốc tế; Ban hành các quy định mới đáp ứng yêu cầu của Hội nhập.
Đặc biệt, Bộ TT&TT cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực CNTT - Truyền thông nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng và triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là những tập đoàn có ảnh hưởng trong lĩnh vực thông tin - truyền thông. Tất nhiên, Bộ cũng cần đề ra các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nội xuất khẩu sản phẩm, tham gia thị trường Quốc tế.
"Cần tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực và thực thi chính sách quản lý của CQNN; Xây dựng kế hoạch triển khai đàm phán và ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế mới", Thứ trưởng Hưng nêu rõ. Yêu cầu về hội nhập quốc tế cần được lồng ghép xuyên suốt vào quá trình xây dựng, triển khai các kế hoạch, chiến lược, đề án phát triển CNTT-Truyền thông sắp tới, nhằm mục đích tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ từ phía quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bộ TT&TT cũng tăng cường mở rộng hợp tác nghiệp vụ, hợp tác trao đổi thông tin với các hãng thông tấn nước ngoài; củng cố, tăng cường mạng lưới cơ quan báo chí thường trú tại nước ngoài; đẩy mạnh, tăng cường tham dự các hiệp hội - diễn đàn đa phương về Thông tin - Truyền thông; Chủ động tham gia các Diễn đàn quan trọng của APEC, ASEM, ASEAN về CNTT - Truyền thông.
Cuối cùng, Bộ cũng tiến hành thực hiện đào tạo cán bộ đa phương, chuẩn bị nhân sự Việt Nam để đưa vào làm và ứng cử vào các tổ chức quan trọng trong lĩnh vực CNTT - Truyền thông của quốc tế.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập quốc tế như là một yêu cầu cấp thiết của quốc gia tại thời điểm hiện nay, "Muốn phát triển kinh tế thì không thể không hội nhập quốc tế". Tuy vậy, Bộ trưởng chỉ đạo Chương trình hành động của ngành cần chú trọng đến đặc thù riêng của từng đơn vị trong Bộ để xây dựng nên phương án phù hợp nhất, trên nguyên tắc Hội nhập nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích toàn cục của ngành CNTT - Truyền thông trong nước.
Trọng Cầm