Kiều bào Việt Nam sinh sống tại nước ngoài có nhu cầu nắm bắt thông tin trong nước rất cao, nhưng khả năng tiếp cận các kênh chương trình hiện nay của họ vẫn bị hạn chế.

{keywords}

Ước tính, đang có hơn 4 triệu kiều bào sinh sống và làm việc tại 103 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 98% tập trung ở 21 nước thuộc Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. Những năm qua, cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn tích cực hướng về quê hương nên nhu cầu thông tin bằng tiếng Việt qua các phương tiện truyền thông chính thống trong nước ngày càng lớn, nhất là về những thông tin, chính sách liên quan đến đầu tư, du lịch, thông tin, tư liệu về văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, các nội dung giải trí gần gũi với văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng có nhu cầu xem các kênh truyền hình, phát thanh tiếng Việt để dạy tiếng Việt cho con cháu.

Chính vì vậy, việc mở rộng vùng phục vụ và tăng số lượng kênh truyền hình/phát thanh hiện đại, cung cấp các thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, chính thống đến cộng đồng Kiều bào, giúp họ dễ dàng nắm bắt tình hình chính trị, xã hội, kinh tế trong nước kịp thời là việc hết sức quan trọng, cấp thiết.

Giải pháp truyền hình trên nền OTT đang được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế hiện nay, bởi có thể cung cấp các nội dung đa dạng, mang tính cá nhân cao, lại có thể xem được trên nhiều thiết bị, xem mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, một ưu điểm của giải pháp này là độ phủ dịch vụ rộng, triển khai nhanh, chi phí thấp....

Chia sẻ tại Hội thảo về "Giới thiệu giải pháp truyền hình OTT cho người Việt Nam ở nước ngoài" diễn ra sáng nay, 29/5/2015 tại Bộ TT&TT, đại diện VNPT Technologies nhấn mạnh rằng, truyền hình OTT có thể xem được dễ dàng trên smartphone, máy tính bảng, TV Internet, đầu thu kỹ thuật số (STB)... Ngoài ra, công nghệ này còn có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo như phim, gameshow, clips xem theo yêu cầu, truyền hình xem lại, karaoke, ứng dụng giáo dục, ứng dụng giải trí...

"Hiện nay, kiều bào tiếp cận và sử dụng dịch vụ truyền hình vệ tinh còn khó khăn do vùng phủ hạn chế. Ở các thị trường phát triển, thường thì các hộ gia đình đều đã có sẵn hệ thống truyền hình trả tiền của nước đang sống, việc lắp thêm truyền hình vệ tinh của Việt Nam sẽ không dễ dàng và kinh tế. Đồng thời, thông tin trên Internet thì nhiều khi bị nhiễu bởi quá nhiều luồng thông tin khác nhau", đại diện VNPT Technologies phân tích.

Ngược lại, truyền hình OTT phát sóng thông qua đường truyền Internet, không phụ thuộc mạng lưới, khả năng tương tác với người xem cao, hỗ trợ đa màn hình và không đòi hỏi đường truyền Internet cao như IPTV.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ mà Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020 đặt ra là: Trong giai đoạn 2017 - 2020, hàng năm cung cấp 24 kênh truyền hình, phát thanh phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài trên nền tảng OTT. 

Tuy nhiên, để có thể thực sự đẩy mạnh truyền hình OTT và đạt được mục tiêu như Đề án đã đề ra, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý cần hỗ trợ mạnh về nội dung chương trình, nhất là các chương trình giải trí, giáo dục, văn hóa tiếng Việt bởi bản quyền sẽ là một vấn đề khá nan giải. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ tuyên truyền về giải pháp và kênh chương trình để người dân biết và sử dụng dịch vụ trong thời gian tới.

T.C