Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên có địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Theo thống kê, huyện Võ Nhai có trên 17,7 nghìn hộ dân, với trên 75,4 nghìn nhân khẩu, trong đó bà con dân tộc thiểu chiếm tỷ lệ 73,28%. Toàn huyện có 12 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với tổng số trên 1,4 nghìn hộ, trong đó gần 990 hộ với hơn 6.300 nhân khẩu dân tộc Mông, chiếm tỷ lệ 68%.
Khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2010, huyện Võ Nhai có tới 13/14 xã đặc biệt khó khăn với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 4 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo trên 43%.
Riêng tại các xóm có đông đồng bào người dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 90%. Vì vậy, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xóm có đông đồng bào dân tộc Mông gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do khu vực này có tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận hướng phát triển kinh tế của người dân còn hạn chế, thu nhập bình quân thấp, dân cư sống phân tán.
Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Võ Nhai đã ban hành quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới của địa phương. Huyện cũng triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo động lực cho cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Riêng khu vực có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ngoài giải pháp chung, các địa phương trong huyện đã đề ra lộ trình phù hợp và giải pháp lồng ghép với một số chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2021, từ nhiều nguồn lực khác nhau, huyện Võ Nhai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các xóm có đông đồng bào dân tộc Mông.
Trong đó, riêng Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ gần 23,7 tỷ đồng xây dựng 8 đường điện lưới Quốc gia; cứng hoá gần 44 km đường từ xã xuống các xóm, trên 32km đường liên xóm, 2,1 km kênh mương; xây dựng 10 nhà văn hoá đạt chuẩn, 8 công trình nước sạch… và hỗ trợ trên 8,2 tỷ đồng triển khai các dự án, mô hình sản xuất…
Đến hết năm 2022, gần 50% hộ người dân tộc Mông có nhà bán kiên cố; 100% hộ dân có thể xem truyền hình, nghe đài phát thanh; 94% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ học sinh dân tộc Mông trong độ tuổi đến trường ở cấp THPT là 56,7%, cấp THCS là 87,7%, tiểu học 98,1%, mầm non 82,1%...
Xóm Lân Vai, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai có 69 hộ với khoảng 300 nhân khẩu, trong đó có 67 hộ đồng bào dân tộc Mông, chiếm 97%. Năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Dân Tiến đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để bê tông hóa toàn bộ 1,8 km đường trục chính, với chiều rộng 3 m đến Lân Vai, thay thế con đường đất nhỏ, lầy lội trước kia.
Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân Lân Vai còn được hỗ trợ sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc sản xuất giúp tăng năng suất lao động... Thống kê trong giai đoạn 2016 - 2021, Lân Vai đã được Nhà nước hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng, giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Từ sự hỗ trợ trên, người dân xóm Lân Vai đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, riêng 5 ha trồng mía mỗi năm đem về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2019, hơn chục hộ dân Lân Vai đã mạnh dạn chuyển đổi trên 5 ha đất vườn tạp, đất rải rác dưới chân núi đá sang trồng na thương phẩm. Nhờ đó, thu nhập trung bình của đồng bào từ 15 - 20 triệu đồng/người/năm đã nâng lên trên 33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong xóm giảm mạnh từ trên 90% khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2022). Với những kết quả này, Lân Vai đã cùng với xã Dân Tiến về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Cũng là một xã khó khăn điển hình của huyện Võ Nhai, Liên Minh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bằng nhiều giải pháp, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế… Việc thực hiện Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nền tảng vững chắc thay đổi bộ mặt nông thôn.
Sau nhiều nỗ lực xây dựng và thực hiện các đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay huyện Võ Nhai đã có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Cây chè là một trong những cây thế mạnh của xã Liên Minh. Từ khi Hợp tác xã chè Liên Minh được thành lập, hoạt động sản xuất được đưa vào khuôn khổ, mọi thứ dần thay đổi. Với gần 5 năm hoạt động, hợp tác xã hiện thu hút 50 thành viên, diện tích sản xuất đạt hơn 41 ha, 100% canh tác theo tiêu chuẩn sạch. Trong số thành viên có 2/3 là phụ nữ và 50% là người dân tộc thiểu số.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo các khu vực có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Võ Nhai dần khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên đáng kể. Năm 2023, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu đầu tư gần 39 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt 18 tiêu chí...