Các tuyến đường gồm: ven sông Sài Gòn, đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương và dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.

Tại dự án tuyến đường ven sông Sài Gòn, báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết, tuyến đường nằm trên địa bàn TP. Thuận An có tổng chiều dài khoảng 13,6km, đi qua các phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, An Sơn (trong đó đoạn từ rạch Bình Nhâm đến đường Châu Văn Tiếp dài 1,68Km thuộc phường Bình Nhâm đã đầu tư xây dựng, còn khoảng 11,2km chưa đầu tư).

Hiện hữu của tuyến là đường bờ bao sông Sài Gòn có kết cấu đường đất và đá, rộng mặt đường 5m-6m, phạm vi đã giải phóng mặt bằng 18m.

Đoạn qua địa bàn TP. Thủ Dầu Một tiếp giáp với đoạn qua địa phận TP. Thuận An tại rạch Bà Lụa và kết thúc tại cầu Ông Cộ có tổng chiều dài 16,7km. Đây là đoạn đi qua địa bàn các phường: Phú Thọ, Chánh Nghĩa, Phú Cường, Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp và Tân An; qua các khu quy hoạch khu cảng Bà Lụa, khu biệt thự Phú Thịnh, khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ, khu vực phát triển đô thị Tân An...

Trong đó, đoạn đường Bạch Đằng, đường Bạch Đằng nối dài, đường Nguyễn Tri Phương (đoạn từ cầu Thủ Ngữ đến rạch Thầy Năng) đã và đang được đầu tư xây dựng, còn lại các đoạn trên tuyến chưa được đầu tư xây dựng khoảng 13,04km.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP. Thuận An cho biết, tổng chiều dài đoạn qua địa bàn TP. Thuận An khoảng 12,7km, trong đó có 488 hộ gia đình, cá nhân và 53 tổ chức thuộc phạm vi giải tỏa của dự án.

Đến nay, UBND TP. Thuận An đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 486 hộ gia đình, cá nhân và 52 tổ chức với số tiền hơn 2.750 tỷ đồng (đạt 99%). Còn 2 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức đang rà soát hồ sơ pháp lý để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Thành phố đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đạt 94% tổng số tiền đã phê duyệt.

Đối với dự án đường vành đai 3, tổng diện tích thu hồi đất bổ sung cho thực hiện dự án khoảng 79,91 ha với 1,535 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay tổng diện tích thu hồi khoảng 77,08 ha, đạt 96,4%. Chi trả tiền bồi thường đạt 94,9%; bàn giao mặt bằng cho các gói thầu đạt 83,2%.

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND TP Dĩ An Võ Văn Hồng cho biết, đoạn qua địa bàn TP. Dĩ An là gói thầu XL1 (nút giao Tân Vạn), có 532 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 17,76 ha. TP. Dĩ An đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, đã thu hồi đất đạt 100% và bàn giao mặt bằng 16,49 ha, đạt 92,8% để triển khai thi công dự án.​

Đối với công tác thi công xây lắp, theo ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, các đơn vị thi công đã triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký kết.

Đến tháng 12/2025 phấn đấu cơ bản hoàn thành khoảng 80% khối lượng dự án và hoàn thành cơ bản tuyến chính cao tốc. Trong đó, hoàn thành 100% gói thầu XL2 (nút giao Bình Chuẩn) và XL4 (cầu Bình Gởi); 75% gói thầu XL1 (nút giao Tân Vạn) và 75% gói thầu XL3 (đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn). Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bàn giao mặt bằng không liên tục, khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền… cũng ảnh hướng đến tiến độ thi công dự án.

Hưởng ứng kế hoạch 500 ngày đêm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc năm 2025, tỉnh Bình Dương cố gắng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đoạn tuyến từ Mỹ Phước - Tân Vạn đến Quốc lộ 13 và các cầu vượt giao lộ, cố gắng tháng 6/2026 thông toàn tuyến.

anh 30.jpg
Bí thư Nguyễn Văn Lợi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường vành đai sông Sài Gòn. Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương

Sau khi kiểm tra thực tế, lắng nghe báo cáo của các địa phương, đơn vị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu TP. Thuận An phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời lưới điện trước ngày 15/1/2025, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án; phấn đấu hoàn thành và khánh thành dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trong dịp  30/4/2025.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường ven sông Sài Gòn đoạn qua TP Thuận An, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng của tỉnh trong kết nối vùng, tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương; rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.HCM góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời góp phần cải tạo cảnh quan bờ sông, bảo tồn sinh thái, chống ngập. Bí thư đề nghị các sở ngành phối hợp với TP. Thuận An tạo nguồn vốn từ đấu giá quỹ đất công trên địa bàn cùng với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và một số doanh nghiệp để thực hiện dự án.

Về dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, nhất là TP. Thuận An và TP. Dĩ An tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; vận dụng đầy đủ các chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương, làm "ba ca, bốn kíp", làm xuyên Tết để đảm bảo tiến độ dự án.

Ngô Huyền