Bắt nhịp xu hướng mới "Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành", 400 chuyên gia giảng dạy và học viên vừa tham gia một hội thảo quốc tế để học hỏi cách dạy - học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành ở nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam, thảo luậǹ hướng đi trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo có chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Lý luận và thực tiễn”, diễn ra ngày 17/11/2018, do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tổ chức.
Dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đông đảo chuyên gia. cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài trường quan tâm.
Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lâm Quang Đông- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết, những năm gần đây ngoài “ngoại ngữ chuyên ngành” (Foreign Languages for Specific Purposes) hay “ngoại ngữ không chuyên” (Foreign Languages for Non-language Majors) đã xuất hiện nhiều xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ gắn với chuyên ngành. Mỗi xu hướng có thể dựa trên nền tảng lý luận không hoàn toàn giống nhau và mục tiêu cũng không hoàn toàn như nhau.
Bởi vậy, theo PGS. Lâm Quang Đông, hội thảo này là diễn đàn phù hợp để các nhà quản lý và giảng viên cập nhật lý luận về dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành, học hỏi thực tiễn dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành ở nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam và xác định quan điểm lý luận và phương hướng phù hợp cho việc dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khuôn khổ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2025.
Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Tô Chung đánh giá cao những đóng góp to lớn của Trường Đại học Ngoại ngữ cho cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh). Ông kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các giảng viên, nhà quản lý, nhà nghiên cứu… giao lưu, chia sẻ, học hỏi, tăng cường kiến thức chuyên môn về lý luận, phương pháp và cập nhật những mô hình giảng dạy ngoại ngữ từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển, trao đổi và phổ biến các sáng kiến, mô hình thực tiễn triển khai dạy và học ngoại ngữ gắn với chuyên ngành tại các quốc gia, tăng cường và mở rộng mạng lưới chuyên môn, cập nhật các xu hướng và sáng kiến mới nhất về các phương pháp khả thi trong dạy và học ngoại ngữ (nhất là là tiếng Anh), từ đó có những tham khảo, chọn lọc để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Tô Chung- Phó Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phát biểu tại hội thảo. |
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe 5 báo cáo do các đại biểu quốc tế trình bày. Trong báo cáo đầu tiên, "Thực tiễn trong việc dạy kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh", diễn giả David Andrew Bright- Giám đốc Chương trình phát triển ngôn ngữ tiếng Anh của Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Ohio Dawn Bikowski đã gợi ý một số giải pháp tăng hiệu quả của phương pháp sử dụng tiếng Anh làm phương tiện dạy và học. Đó là, cung cấp cho người học những tài liệu tóm tắt trước giờ học trên lớp; thời gian trên lớp chủ yếu dành cho việc giải đáp thắc mắc, thảo luận, hiểu sâu và mở rộng vấn đề cần bàn; giảng viên đóng vai trò điều phối thảo luận và giải đáp thắc mắc…
Phần báo cáo tại các tiểu ban (gồm các chủ đề: tiếng Anh chuyên ngành; tiếng Anh cho các nhu cầu nghề nghiệp; các phương pháp giảng dạy tiếng Anh; phát triển và đánh giá chương trình và tài liệu; nghiên cứu về ngôn ngữ học, văn hóa và quốc tế học; ngoại ngữ chuyên ngành và phương pháp giảng dạy) đã diễn ra rất sôi nổi.
Một số đề tài thú vị có thể kể đến như: một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đào tạo dạy ngoại ngữ chuyên ngành ở đại học; năng lực giao tiếp đa văn hóa nhìn từ quan điểm xây dựng nhận dạng và ý nghĩa đối với giáo dục ngôn ngữ; phương pháp dạy và học cho các môn lý thuyết trong chương trình cử nhân tiếng Anh tại các trường đại học Việt Nam; sử dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành du lịch; đào tạo thông dịch tiếng Trung nhìn từ góc nhìn liên ngành; dạy và học tiếng Anh chuyên ngành quản trị văn phòng ở trường đại học trong thời kỳ 4.0…
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
|
Ngọc Minh