- Tân ĐBQH trẻ nhất của đoàn ĐBQH TP Hà Nội, doanh nhân Phạm Quang Thanh chia sẻ với VietNamNet cảm xúc khi chuẩn bị bước chân vào nghị trường.

Xem chi tiết về từng đại biểu QH khóa 14 TẠI ĐÂY

Anh cùng một số ĐBQH trẻ tuổi khác của QH khóa 14 đánh dấu thế hệ 8X bước chân vào nghị trường, mang một hơi thở mới, ít nhất về sự trẻ tuổi, cá nhân anh thấy điều gì đặc biệt về dấu mốc này?Người trẻ thì hay có lý tưởng về tạo dấu ấn, anh có không?

Lúc được giới thiệu ứng cử tôi cũng tương đối bất ngờ. Trúng cử, tôi là ĐBQH trẻ nhất đoàn TP Hà Nội và có lẽ nằm trong top trẻ QH khoá 14.
 

{keywords}
Phạm Quang Thanh trở thành ĐBQH ở tuổi 35

Dù cũng có điều kiện tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của một số anh chị là các ĐBQH khóa trước, tuy nhiên kinh nghiệm nghị trường của tôi bây giờ gần như là số 0, nhưng trách nhiệm với cử tri, với người dân và với Đoàn ĐBQH Hà Nội, ít nhất tôi phải cố gắng làm tròn vai.

Còn việc tạo dấu ấn gì đó thì nói thật tôi chưa nghĩ đến. Dấu ấn ở đây nhiều khi cũng không biết xấu hay tốt (cười).

Ai là người đầu tiên anh chia sẻ niềm vui được trúng cử?

Vợ là người đầu tiên tôi chia sẻ (cười). Thực sự, tôi cảm thấy đây giống như một cuộc thi nên rất hồi hộp. Khi biết mình “đỗ” cảm giác rất vui dù trước đó cũng từng nghĩ nếu có “trượt” thì cũng không có gì phải buồn vì đây là cuộc thi hoàn toàn khách quan, minh bạch, công bằng; và đã đi thi thì có đỗ, có trượt.

 

{keywords}
"Giờ nhiều người biết vô tình tạo áp lực cho người trong cuộc..."

Nói thì dễ, quan trọng là giải pháp

35 tuổi bước chân vào nghị trường với kinh nghiệm gần như bằng 0 như anh nói, nhưng ở góc độ một doanh nhân, những trải nghiệm nào ở thương trường thực sự đắt giá có thể làm hành trang cho 5 năm làm đại biểu QH?

Tôi nghĩ có thể có những lợi thế nhất định trong quá trình điều hành doanh nghiệp, tôi có được nhiều trải nghiệm từ thực tiễn tiếp xúc và làm việc với nhiều thành phần trong xã hội, từ người dân, khách hàng, cơ quan quản lý, các đối tác trong và ngoài nước...

Do đó tôi thường nhận được thông tin nhiều chiều từ nhiều tầng lớp. Điều kiện tiếp xúc rộng rãi với các tầng lớp như vậy có thể là một phần hành trang hữu ích mang theo vào hoạt động nghị trường, để tiếng nói của mình có tính thực tiễn, thiết thực.

Anh có suy nghĩ đến những điểm mạnh, điểm yếu khi thực hiện vai trò đại biểu của mình không?

Nếu hỏi tôi về điểm mạnh, điểm yếu trong việc điều hành quản trị doanh nghiệp thì tôi có thể trả lời ngay, nhưng với hoạt động chưa từng có trải nghiệm thì cũng khó nói.

Là ĐBQH trẻ, tôi sẽ tích cực học hỏi để hoàn thành tốt trọng trách, gắng sức thực hiện tốt những lời hứa với cử tri. Đối với những phản ánh, kiến nghị của cử tri, tôi sẽ cố gắng không chỉ đơn thuần phản ánh, chuyển tải đến QH mà sẽ chủ động suy nghĩ đóng góp các giải pháp để kịp thời giải quyết.

Trong mọi công việc tôi vẫn luôn tâm niệm, nói rất là dễ nhưng quan trọng phải đưa ra được giải pháp.

 

{keywords}
"Nói rất dễ, quan trọng phải đưa ra giải pháp"

Anh chắc chắn sẽ có nhiều kiến nghị thực tiễn cho ngành du lịch nước nhà, một trong những lĩnh vực mà diễn đàn QH cũng nhiều phen nảy lửa tranh luận. Tâm thế sẵn sàng của anh cho vấn đề này thế nào tại nghị trường?

Từ thực tiễn hoạt động trong doanh nghiệp ngành du lịch, tôi muốn nhấn mạnh vào hoạt động quảng bá xúc tiến, một khía cạnh mà du lịch nước ta vẫn còn tương đối hạn chế.

Hiện kinh phí xúc tiến của mình quá ít, chỉ bằng một vài % của các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia, chỉ tham gia một hội chợ du lịch quốc tế là đã hết tiền rồi. Nếu không tăng cường đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến, du lịch Việt Nam sẽ không thể bứt phá, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Đất nước ta có rất nhiều lợi thế, nhưng mình đẹp thì mình phải quảng cáo, phải “khoe” để đông đảo du khách quốc tế biết được. Trong bối cảnh liệu cơm gắp mắm thì chiến lược xúc tiến cũng phải hiệu quả, phải quảng bá đúng thị trường, đúng đối tượng, không được dàn trải...

Giữ hình ảnh, uy tín

Với cha anh, một ĐBQH kỳ cựu, trải nghiệm dày dặn trong công tác chính trị, lãnh đạo một thành phố lớn, liệu ngoài việc có thể học hỏi những kinh nghiệm từ ông, anh có thấy áp lực không?

Trong câu trả lời của chị đã bao hàm sự trả lời trong đó. Khi biết tôi trúng cử, ông dặn dò tôi phải nỗ lực học hỏi và cẩn trọng trong mọi công việc; phải giữ hình ảnh, uy tín.

 

{keywords}
ĐB trẻ nhất của Hà Nội trăn trở quảng bá xúc tiến du lịch nước nhà

Trước khi tham gia QH, tôi làm việc và quan hệ với mọi người không bị áp lực gì đáng kể vì không nhiều người biết tôi là con ai. Có một gia đình như thế, tôi cảm thấy quá may mắn và hạnh phúc. Tôi rất tự hào và không có gì phải giấu giếm cả. Tuy nhiên giờ nhiều người biết, vô tình tạo thêm áp lực cho người trong cuộc.

Ở vị trí một ĐBQH, tôi hiểu sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Trước mình chỉ đại diện cho tổ chức, giờ là đại diện cho rất nhiều cử tri. Đấy là áp lực lớn nhất đối với tôi. Còn ở vai doanh nghiệp, lại là doanh nghiệp trẻ, nếu giữ gìn quá thì tôi cũng thấy hơi áp lực (cười).

Thúy Hạnh - Ảnh: Lê Anh Dũng