- Với cương vị là người làm giáo dục phổ thông bản thân tôi cũng muốn trao đổi một số ý kiến liên quan đến vấn đề này. Hiệu trưởng Hoàng Kim Hữu tranh luận.

Sau khi đọc các bài báo trao đổi về cải cách giáo dục Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là clip của một học sinh lớp 12 nói về giáo dục, sau đó là hàng loạt bài của các chuyên gia, các nhà giáo có nhiều kinh nghiệm, những người tâm huyết với giáo dục đã lên tiếng.

{keywords}
Ảnh  minh họa

Tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1999 và bắt đầu đi dạy học từ năm 2003, điều mà tôi muốn nói ở đây là bản thân tôi được học phổ thông vào những năm cuối của đợt cải cách giáo dục và trở thành thầy giáo khi đợt cải cách giáo dục phổ thông mới bắt đầu. Sự giao thoa giáo dục trong thời gian này cho tôi cái nhìn khách quan về tính chất, bản chất của vấn đề mà chúng ta đang bàn.

Theo tôi nền giáo dục của ta là nền giáo dục mang đậm nét truyền thống Việt, mà không gian của nó chưa thể thoát khỏi tính chất của con người “nông nghiệp, nông dân và nông thôn.”

Bởi vậy, để nền giáo dục của ta ổn định được trong một thời gian 10-15 năm có nghĩa là sau những năm 30 của thế kỷ này thì sự nhất thiết phải hướng tới cái gốc rễ đó.

Có nhiều ý kiến cho rằng giáo dục phổ thông hiện nay học quá nhiều môn (khoảng 11 môn học chính) nên cần bỏ bớt, chỉ học 6 – 7 môn, ngoài những môn bắt buộc như Toán, CNTT, Ngoại ngữ các môn còn lại học sinh tự chọn.

Xin thưa rằng chúng ta đã từng cười ra nước mắt, đặc biệt là những người làm giáo dục đã từng muối mặt vì hàng ngàn học sinh thi Tốt nghiệp, CĐ, ĐH môn lịch sử điểm 0, có những học sinh không thể nói lên dù một ý rất nhỏ trong chương trình địa lý địa phương, và có lẽ sẽ buồn nhiều hơn nữa nếu chúng ta đưa những môn học này vào chương trình tự chọn.

Nếu chúng ta làm giáo dục theo kiểu “Mô hình” của Anh hay Pháp thì có thể trong một thời gian rất ngắn sẽ cho ra đời rất nhiều tiến sĩ Toán học, Hóa học … mà không biết nấu cơm, lau nhà, chăm sóc bố mẹ, con cái và cũng có thể cho ra đời một thế hệ tiến sĩ Văn hóa phương tây mà không biết đến dù chỉ một câu dân ca quê mình.

Cải cách phải bắt đầu từ đổi mới tư duy...

Theo tôi cải cách giáo dục hiện nay cái cốt yếu đầu tiên là phải hướng tới đổi mới tư duy của những người làm giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Dù tên gọi có thay đổi thế nào đi nữa thì 12 năm học phổ thông là rất cần thiết. Khoảng thời gian đó là đủ để một con người tiếp thu được sự đa dạng của giáo dục Việt là: Nhân- trí - thể - mỹ.

Cũng có những học sinh của ta có khả năng học xong chương trình ĐH ở tuổi 20, nhưng số đó là bao nhiêu % phải chăng phần đa là con “nhà nòi”?

Có người lại nói rằng cần thay đổi phương pháp, chương trình đào tạo sinh viên (giáo viên tương lai) của các trường ĐH, theo tôi phải làm song song với việc bồi dưỡng, đào tạo lại cán bộ giáo viên hiện có. Bởi hiện nay giáo viên phổ thông đã tương đối bão hòa có nghĩa là số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy hiện nay cơ bản đủ để phục vụ giảng dạy cho 15 năm tới. Ta phải làm gì, làm như thế nào với số giáo viên này khi mà “thầy không giỏi lấy đâu trò giỏi; thầy không hiểu lấy gì dạy trò”.

Tôi xin trích lời phát biểu rất triết lý của nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thay lời muốn nói: “ Đổi mới hay cải cách, trong trường hợp này, không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện.

Vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Do đó, cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể của từng bộ phận cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghĩa là điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phần và cả hệ thống.

Cần phải rũ bỏ hình thức áp đặt, thay vào đó, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh. Chỉ có như vậy nhà trường mới đào tạo được những công dân tự tin, tự chủ, tự lập để có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội".

Hoàng Kim Hữu (Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai)