“Cam Ranh không chỉ bảo vệ vùng biển, các đảo và tài nguyên biển mà còn là căn cứ bảo vệ Tây Nguyên và phía Nam của Tổ quốc” - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm.

Chuyên gia chính trị quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, từng nhận định: “Vịnh Cam Ranh là một tài sản chiến lược của Việt Nam, có một thời đã ngủ quên hoặc không được sử dụng và khai thác ngang tầm cỡ của nó. Ngày nay, việc biến tài sản chiến lược ấy thành một đòn bẩy chiến lược phục vụ đắc lực cho quốc tế hóa việc giải quyết vấn đề biển Đông, cũng như nhiệm vụ phòng thủ biển đảo, phát triển kinh tế biển của nước ta, và hợp tác hội nhập quốc tế, là vấn đề khẩn cấp”.

Còn theo James Holmes, giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ: “Theo thời gian, Cam Ranh không đánh mất những giá trị về sức mạnh và nguồn lực, trong khi giá trị về địa lý trên bản đồ ngày càng gia tăng do những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ cũng đánh giá Cam Ranh có vị trí chiến lược ở châu Á”.

{keywords}
Cảng Cam Ranh nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Niên

Điều gì tạo nên vị trí chiến lược của Cam Ranh, khiến các nước lớn đều có mối quan tâm đặc biệt? Ngày nay, cần khai thác Cam Ranh ra sao để phát huy tối đa hiệu quả? PGS. TS, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Nha Trang, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đã có những phân tích sâu rộng về vấn đề này:

Đối với nước ta, đã từ lâu, hiện nay và mãi mãi sau này Cam Ranh là một cảng thiên nhiên phú cho Việt Nam có đầy đủ điều kiện để làm một quân cảng tốt nhất, thực sự có ý nghĩa chiến lược nhất. Không phải tự nhiên mà các nước lớn, đặc biệt là các cường quốc đại dương luôn thèm muốn có được Cam Ranh.

Cam Ranh có vị trí địa chiến lược hết sức đặc biệt, nằm ở bán đảo Đông Dương có bờ biển dài trên 3.200 km, nhìn ra Biển Đông. Biển Đông bao la chính là một nửa biên giới của Việt Nam, là quyền lợi sống còn của dân tộc. Đất nước ta dài nhưng hẹp nên việc phòng thủ cũng như phát triển ra hướng biển là chiến lược hết sức quan trọng, đặc biệt trong thời đại khoa học – kỹ thuật – công nghệ hiện nay.

Cha ông chúng ta ngày xưa dù chưa đủ lực và trình độ như bây giờ nhưng đã biết vươn ra biển từ rất sớm. Từ thế kỷ 17, 18, ông cha ta đã quản lý và khai thác tận Hoàng Sa và Trường Sa là một ví dụ. Và để quản lý những đảo và quyền lợi biển như thế, phải có căn cứ trên biển. Từ thế kỷ 20 trở về trước, nhà Nguyễn đã xây dựng đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi để quản lý, khai thác đánh bắt hải sản, thu lượm phân chim tại Hoàng Sa. Nay đất nước phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến thì rất cần những căn cứ như Cam Ranh.

Cam Ranh là một vịnh thiên nhiên có diện tích trên 13.800 ha. Chiều dài toàn bộ từ cửa vịnh cho đến cầu Mỹ Ca là 32 km. Còn chiều rộng từ bờ tây cho tới bờ đông hơn 3 km. Thiên nhiên đã phú cho Cam Ranh thế phòng thủ cực kỳ tiện lợi cho phòng không, cho tàu ngầm, tàu mặt nước.

Nếu cộng Cam Ranh với căn cứ Subic và Clark của Philippines thì sẽ thành một thế liên hoàn xem như toàn bộ Biển Đông đều bị kiểm soát và có thể chi phối Biển Đông.

Biển Đông là một con đường hàng hải tấp nập nhất của quốc tế. Hàng ngày có 1/4 tàu vận tải cỡ lớn của thế giới đi qua. Nếu tính cả tàu quân sự thì bình quân mỗi ngày có hàng ngàn chiếc đi qua đây. Tất cả tàu chở dầu từ vịnh Ba Tư qua Ấn Độ Dương, đi qua eo Malacca để đi lên Đông Bắc Á đều đi qua Biển Đông. Cái yết hầu là chỗ này!

Biển Đông không chỉ là vùng có quyền lợi gắn bó với các nước xung quanh, mà còn liên quan quyền lợi của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật, kể cả Ấn Độ vì hàng hóa của họ đều đi qua đây. Cho nên tại sao tranh chấp ở Biển Đông lại trở thành cuộc tranh chấp của Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và ASEAN là vì vậy.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, một chiếc tàu ngầm diezel với vận tốc 10 hải lý/giờ chỉ cần 3 tiếng đồng hồ xuất kích từ Cam Ranh có thể tiếp cận giao thông của Biển Đông. Tàu ngầm nằm dưới nước với vũ khí như hiện nay có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên vùng biển địa chiến lược này.

Cam Ranh không chỉ bảo vệ vùng biển, các đảo và tài nguyên biển mà còn là căn cứ bảo vệ Tây Nguyên và phía Nam của Tổ quốc.

Từ ngày hải quân Nga rút khỏi Cam Ranh, ta đã hoàn toàn quản lý quân cảng Cam Ranh. Cam Ranh đã trở thành căn cứ hải quân chính của hải quân Việt Nam.

Xây dựng Cam Ranh thành căn cứ chính của hải quân ta là đúng vì vị trí chiến lược đặc biệt của nó. Kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng như hiện nay là hợp lý. Ví dụ như sân bay kết hợp khai thác đường bay quốc tế để khỏi lãng phí.

Vịnh Cam Ranh phần phía tây có cảng Ba Ngòi có thể phát triển kinh tế thủy sản, xây dựng cảng dịch vụ là cần thiết. Còn phần cảng quân sự Cam Ranh phải xây dựng hoàn chỉnh thành căn cứ hải quân liên hợp gồm hải quân, không quân, phòng không và phòng thủ bộ binh kết hợp làm dịch vụ hải quân cho các nước như tiếp dầu, tiếp nước; sữa chữa phương tiện, có bệnh viện điều trị, chữa bệnh cho bệnh binh các nước có tàu hải quân hoạt động gần đấy.

Các cường quốc biển trên đại dương đều có tàu chiến hoạt động trên vùng biển Thái Bình dương và Biển Đông. Với môi trường hòa bình và hội nhập, ta có thể cung cấp dịch vụ đường biển cho tàu quân sự không chỉ Nga mà còn có Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ v.v… Tất nhiên ai vào đây cũng phải tuân thủ luật pháp và chủ quyền của Việt Nam.

Một điều hết sức quan trọng nữa là cần phải thường xuyên giáo dục ý thức quốc phòng, ý thức bảo vệ Tổ quốc cho tất cả tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ căn cứ Cam Ranh và những phương tiện hiện đại bên trong thật vững chắc. Tuyệt đối không vì quyền lợi kinh tế nhỏ nhen mà cho người nước ngoài vào bên trong nuôi cá, thăm dò thủy sản, nuôi trồng hải sản v.v…

Rút kinh nghiệm từ lịch sử, theo tôi, chúng ta không nên cho bất kỳ nước nào vào đồn trú lâu dài tại Cam Ranh như trước nữa. Vì được nước này thì mất nước kia. Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong cạnh tranh đối tác luôn tiềm ẩn đối thủ, luôn có cạnh tranh, có thể xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn lợi ích bất cứ lúc nào. Do vậy, ta nên tự quản, đồng thời xây dựng, sử dụng và cung cấp dịch vụ cho tất cả họ là hay nhất.

Kim Anh - Diệu Thúy