Ai vào cảnh nhờ các bà trông con mà bị bà từ chối thì cũng đều giận dỗi. Tôi cũng ở trong cảnh ấy nên tôi hiểu rõ lắm. Ấy thế mà tôi chả giận dỗi gì, Tết nhất vẫn biếu xén bà tiền sắm sửa ăn uống, mua biếu bà quần áo, bát đũa mới.
Gia đình trẻ thì ai chả phải trải qua cảnh con nhỏ vất vả trăm thứ đổ đầu, tối mắt tối mũi. Tôi nuôi đứa con đầu lòng, bà nội lên chăm cho 1 tháng, sau đó tôi vừa thuê nhà vừa đi gửi con thuê bà hàng xóm trông nom. Bà nội, bà ngoại đều khó khăn, thỉnh thoảng các bà cho cháu rau cỏ, trứng gà hoặc vài chục ngàn. Tôi có oán trách gì đâu, cứ lăn như bống vì vừa lo đi làm vừa xoay xở với con. Con nhỏ, ai chả khổ sở vì thiếu trước hụt sau.
Ảnh minh họa |
Cũng có vài lần tôi và mẹ chồng xô xát, tôi giận dỗi không cho con về thăm bà nhưng tôi thấy mâu thuẫn vợ chồng nặng nề, mình thành ra thiệt nhất. Thế là tôi chấp nhận vui sống trong hòa bình với mẹ chồng, giận bà mà vẫn phải nhún nhường cho êm cửa êm nhà. Bà thấy con dâu nhận lỗi thì sướng lắm, lại nhặt nhạnh cái này cái kia mang lên cho cháu.
Tôi không thể so bì với lũ bạn lấy được chồng giàu mà vui với những gì mình có. Thôi thì có đồng lương, bóp mồm bóp miệng mà nuôi con chứ kêu thì ai thương. Hàng tháng, dịp Lễ Tết, gia đình tôi lại kéo nhau về chơi với ông bà một buổi. Bà nội phấn khởi lắm, ngồi chơi với cháu cả ngày không biết chán.
Đẻ đứa thứ 2, tôi nhờ vả bà lên ở và trông con cho đến khi cháu cứng cáp thì cho đi nhà trẻ. Bà đồng ý, lên đâu chừng 3 tháng thì xảy ra chuyện. Bà về kể bà cho cháu sang nhà hàng xóm chơi, cháu đái dầm ra chiếu, bà hàng xóm phật ý. Mẹ chồng tôi rất bực bội, cho rằng bà hàng xóm này ghê gớm.
Tôi xoa dịu "thôi mẹ chấp làm gì, bà ấy một thân một mình nên khó tính". Mẹ chồng tôi kể đi kể lại 3 lần thì cả vợ chồng tôi đều nói như thế, bà khùng lên và bảo "chúng mày ngu, bênh người ngoài không bênh mẹ, tao chả ở trông con cho chúng mày nữa, tao về quê".
Mặc kệ tôi xin lỗi rối rít, mẹ chồng tôi nổi giận đùng đùng, ca thán, kể lể nọ kia hàng 3 tiếng liền. Tôi không cãi vã chỉ âm thầm nghe bà chửi ầm ầm. Buổi chiều, bà xách túi quần áo ra xe buýt về thẳng, chả thèm trông cháu cho loại con "mất dạy" nữa. Vợ chồng tôi biết tính bà đồng bóng nên bảo nhau thôi tự lực cánh sinh, thay nhau đi làm trông con một thời gian. Chứ bà tính khí thất thường, khó chiều lắm. Tôi cũng ức vì bị bà chửi oan nhưng rồi tôi cũng bỏ qua luôn, thỉnh thoảng điện đóm về hỏi thăm, vài tháng lại dẫn cháu về chơi với bà. Bà có ý bảo vợ chồng tôi mang con về quê để bà chăm cho tiện, nhà ở quê rộng rãi thoáng mát, rau cỏ sẵn, đỡ tốn kém. Nhưng chúng tôi không muốn xa con nên từ chối.
Ai vào cảnh nhờ các bà trông con mà bị bà từ chối thì cũng đều giận dỗi. Tôi cũng ở trong cảnh ấy nên tôi hiểu rõ lắm. Ấy thế mà tôi chả giận dỗi gì, Tết nhất vẫn biếu xén bà tiền sắm sửa ăn uống, mua biếu bà quần áo, bát đũa mới.
Bố mẹ chồng tôi làm gì có tiền mà cho con, cho cháu, chỉ cho mấy thứ rau cỏ trong vườn bà trồng được, tôi có trách móc gì đâu. Ông bà còn khỏe mạnh, con cái chưa phải hầu ốm đau là sung sướng lắm rồi. Mẹ chồng tôi còn chắt bóp, để dành được hẳn một sổ tiết kiệm dưỡng già. Bà khoe "sau này tao có ốm đau thì sẵn tiết kiệm đấy bỏ ra chi tiêu, chúng mày không phải chi ra đồng nào hết, đỡ tốn kém ". Đúng cái cảnh "đèn nhà ai nhà nấy rạng", bà không lên trông cháu đâm ra lại hay cho tôi.
Từ một bà mẹ trẻ vụng thối vụng nát, thấy con ỉa đái là nôn ọe không nuốt nổi miếng cơm, tôi được thực hành miệt mài mấy năm thành bà mẹ đảm đang, nhanh nhẹn và biết nấu nướng bữa cơm ra hồn. Thậm chí các con còn thích mẹ vào bếp trổ tài hơn bố, vì bố làm ẩu, nấu thức ăn hay bị mặn, cháy.
Ảnh minh họa |
Mẹ chồng tôi vẫn bảo, ngày trước mẹ 3 đứa con, làm dăm bảy sào ruộng, chăn nuôi gà lợn hàng đàn mà có bà nào lên trông cháu cho đâu. Giờ mẹ lên chăm cho tháng đẻ được nghỉ ngơi bồi bổ là sướng rồi. Bà áp dụng đúng kế sách "đẻ con ra thì tự mà nuôi, đừng trông chờ ai".
Thấm nhuần tư tưởng rất thoáng của bà nội, tôi cũng quán triệt với chồng "sau này mình già, lên chức cũng chỉ trông con cho chúng nó vài tháng thôi, còn đâu kệ chúng nó đi mà làm. Già rồi, phải được nghỉ ngơi chứ."
Tôi thấy đầy gia đình, các ông bà già về hưu là không được thất nghiệp ngày nào, được con giao cho trông cháu hết đứa này đến đứa khác, trông cháu không khéo còn bị con cái nó mắng cho xơi xơi.
Có con nhỏ thì phải chịu cảnh khổ sở, vất vả thì khắc phục chứ đừng oán trách ông bà. Đã lấy nhau nghĩa là cũng rõ mười mươi gia cảnh nhà nhau rồi, có con vào cứ ngoạc mồm ra than thân trách phận, rồi phỉ báng bố mẹ chồng thì rồi mấy mà tan cửa nát nhà.
Có con nhỏ, đương nhiên là lam lũ, là xấu xí, là chịu cảnh cháy túi triền miên, cố gắng mà vượt qua đừng đổ tội cho ông bà nội vô trách nhiệm, không trông cháu thì đừng đòi hỏi.
Chả biết các mẹ bỉm sữa nghĩ gì, chứ riêng tôi thì tôi không quẳng trách nhiệm trông con mình đẻ ra cho ông bà nào hết, nhờ được ít hay nhiều tôi đều biết ơn. Mình sống có hiếu với bố mẹ hai bên thì mới mong dạy dỗ được con cái nên người.
Quỳnh Hương