- Nhà báo Hoàng Khương (P.V báo Tuổi Trẻ.TP.HCM) cùng 5 bị can khác bị cơ quan công an TP.HCM đề nghị truy tố trước pháp luật; trong diễn biến liên quan đại diện báo Tuổi Trẻ TP.HCM cũng có ý kiến chính thức về vụ án này.

Bị đề nghị truy tố tội “đưa hối lộ”

Theo đó ngày 23/5 cơ quan CSĐT công an TP.HCM khẳng định, đã có kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại đội CSGT – Trật tự phản ứng nhanh, công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM, liên quan đến nhà báo Hoàng Khương – phóng viên của báo Tuổi Trẻ TP.HCM sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố.

Phóng viên Hoàng Khương bị bắt tạm giam từ đầu tháng 1/2012 đến nay.

Theo đó nhà báo Hoàng Khương (tức Nguyễn Văn Khương, SN 1973, quê tỉnh Khánh Hòa, ngụ Q.Phú Nhuận) bị đề nghị truy tố về tội “đưa hối lộ”.

Cùng bị đề nghị truy tố về tội danh này còn có 3 bị can khác là: Nguyễn Đức Đông Anh (tự Pe, SN 1989, ngụ Q.Phú Nhuận, là sinh viên – em vợ của Hoàng Khương), Trần Minh Hòa (SN 1991, ngụ Q.Phú Nhuận – hành nghề sửa xe gắn máy) và Trần Anh Tuấn (SN 1966, ngụ Q.2, là giám đốc của công ty TNHH TMDVVT Tân Hải Phong).
 

Huỳnh Minh Đức (SN 1976, ngụ Q.Bình Thạnh – nguyên trung úy CSGT thuộc đội CSGT – Trật tự phản ứng nhanh, công an Q.Bình Thạnh) bị đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ”. Và Tôn Thất Hòa (SN 1955,– là giám đốc DNTN Duy Nguyên, trụ sở tại Q.9, TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội “môi giới hối lộ”.
 
Theo kết luận điều tra, ngày 23/4/2011 Trần Minh Hòa bị CSGT Q.Bình Thạnh tạm giữ xe gắn máy BKS: 51F6 – 2435 vì tụ tập đua xe trái phép.

Thông qua Nguyễn Đức Đông Anh, Trần Minh Hòa nhờ Hoàng Khương can thiệp để đóng phạt lấy xe ra trước thời hạn tạm giữ, mà không phải kiểm điểm trước tổ dân phố theo quy định.

Trần Minh Hòa chuyển toàn bộ biên bản, và 2 lần đưa tiền tổng cộng 15 triệu đồng cho Đông Anh để chuyển cho Hoàng Khương.

Được biết trước đó vào cuối tháng 11/2009, Hoàng Khương đã 1 lần can thiệp để giải cứu xe cho Trần Minh Hòa khi bị CSGT công an Q.Gò Vấp tạm giữ xử lý, cũng vì tụ tập đua xe trái phép.

Đầu tháng 6/2011 thông qua Tôn Thất Hòa, Hoàng Khương đã gặp Vũ Hồng Thanh (là bảo vệ 1 quán bar ở Q.10). Thanh nói có quen CSGT và có thể giải cứu được xe cho Trần Minh Hòa với giá trọn gói là 21 triệu đồng.

Thông qua Tôn Thất Hòa, Hoàng Khương đã đưa trước cho Thanh 10 triệu đồng; tuy nhiên vì Tôn Thất Hòa không có được xác nhận của công an P.9, Q.Phú Nhuận về việc Trần Minh Hòa đã kiểm điểm trước tổ dân phố nên Thanh không giải cứu được xe vi phạm, nhưng chỉ trả lại 8,5 triệu đồng.

Kết luận chính thức 

Ngày 23/6/2011 tại giao lộ Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô tải của công ty TNHH TMDVVT Tân Hải Phong do Trần Anh Tuấn làm giám đốc và ô tô du lịch.

Huỳnh Minh Đức và Liễu Hồng Lộc (là cán bộ đội CSGT – Trật tự phản ứng nhanh, công an Q.Bình Thạnh) đến hiện trường giải quyết. Sau đó cả 2 xe đều bị tạm giữ để điều tra, xử lý về vụ tai nạn.

Thông qua quan hệ xã hội, Trần Anh Tuấn gặp và nhờ Tôn Thất Hòa (với tên giả là Hoàng) giải cứu xe ô tô tải của Tuấn. Tuấn đã đưa cho Tôn Thất Hòa 3 triệu đồng để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức lấy chiếc xe ra mà không tạm giữ giấy phép lái xe của tài xế; và hậu quả tai nạn, vấn đề bồi thường 2 bên tự thương lượng.

Kết luận công an TP.HCM đề cập, trong nhiều cuộc gặp của Trần Anh Tuấn, Tôn Thất Hòa và Huỳnh Minh Đức thì Hoàng Khương đều có mặt.
 

Tiện thể lúc này Tôn Thất Hòa có hỏi việc giải cứu xe đua của Trần Minh Hòa thì Huỳnh Minh Đức ra giá 10 triệu đồng và còn nói, xem biên bản vi phạm hành chính thì mới báo giá được.
 
Sau khi các bên bàn bạc, 11h trưa 25/6 tại một quán nhậu ở Q.Bình Thạnh, Hoàng Khương (với tên giả là Hùng, là tài xế của Tôn Thất Hòa) đã đưa 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức thông qua Tôn Thất Hòa.

Kết luận có nói Hoàng Khương gọi điện cho vợ Tôn Thất Hòa rồi chuyển máy cho Huỳnh Minh Đức nghe để bà này đóng vai là mẹ Trần Minh Hòa năn nỉ Đức lo giúp vụ lấy xe ra. Sau đó chiếc xe đua của Trần Minh Hòa được giải cứu thành công vào ngày 3/7.

Theo công an TP.HCM, 1 ngày sau, Hoàng Khương chủ động gọi điện thoại cho Huỳnh Minh Đức. Lần này Đức yêu cầu Khương đưa thêm 3 triệu đồng, Khương đồng ý nhưng chưa thực hiện.
 
Sau đó Hoàng Khương biết bài báo “đồng tiền xóa sạch hồ sơ” đăng trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM vào ngày 5/7 phản ánh về việc chung chi 3 triệu đồng để giải cứu sai trái ô tô tải gây tai nạn của Trần Anh Tuấn.

Riêng về việc giải cứu xe đua của Trần Minh Hòa, Huỳnh Minh Đức chưa trả giấy chứng nhận đăng ký xe nên ngày 6 và 7/7 Tôn Thất Hoà gọi điện cho Đức đe dọa nếu không trả giấy tờ thì Hoàng Khương sẽ viết bài đăng báo.

Kết luận công an TP.HCM khẳng định, khi Tôn Thất Hòa gọi điện cho Huỳnh Minh Đức thì “có Hoàng Khương ngồi bên cạnh nhắc chừng”.

Do Huỳnh Minh Đức không trả giấy chứng nhận đăng ký xe cho Trần Minh Hòa nên Hoàng Khương tiếp tục có bài viết “giải cứu xe đua trái phép” đăng trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM vào ngày 10/7.
 
Trao đổi với PV VietNamNet vào chiều 23/5, ông Lê Xuân Trung – Tổng thư ký tòa soạn, đại diện cho báo Tuổi Trẻ TP.HCM - khẳng định:
 
Ông Lê Xuân Trung
Ngay sau khi có kết luận điều tra vụ án, chúng tôi đã tham khảo luật sư Phan Trung Hoài – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Hoàng Khương.

Quan điểm của luật sư cũng như Ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM thì, đây là một bản kết luận điều tra phiến diện, áp đặt, không có tình thuyết phục về tính pháp lý lẫn thực tế.
 
Theo thông tin chúng tôi được biết, tại nhà tạm giam khi nhận bản kết luận điều tra Hoàng Khương đã chính thức có ý kiến đề nghị xem xét lại tội danh mà cơ quan công an đã đề nghị truy tố anh.

Báo Tuổi Trẻ TP.HCM sắp tới sẽ chính thức có văn bản về vấn đề xem xét lại tội danh của Hoàng Khương.

Trước sau báo Tuổi Trẻ bảo lưu quan điểm, đó là tai nạn nghề nghiệp, chỉ nên xử lý hành chính đối với P.V Hoàng Khương.

Số tiền 15 triệu đồng mà Huỳnh MinH Đức nhận, không phải là tiền của Hoàng Khương mà là tiền của Trần Minh Hòa; người đưa tiền cho Huỳnh Minh Đức không phải là Hoàng Khương mà là Tôn Thất Hòa. Hoàng Khương chỉ là khâu trung chuyển, nếu không có Hoàng Khương thì quy trình đó vẫn diễn ra bình thường.
 
Quan điểm của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ là, Hoàng Khương không phải tạo ra tiêu cực để viết báo chống tiêu cực; mà Hoàng Khương muốn có chứng cứ xác thực về việc CSGT nhận hối lộ.

Cơ quan công an đã “cắt khúc” vụ án, không xem xét trong bối cảnh Ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM triển khai tuyến đề tài “chặn đứng thảm họa giao thông” mà Hoàng Khương là một trong các P.V thực hiện ý kiến chỉ đạo.

Chúng tôi đã từng gửi nhiều bằng chứng, văn bản cho cơ quan công an như: đề cương tuyến bài “chặn đứng thảm họa giao thông” mà trong đó Hoàng Khương là 1 P.V tham gia; tường trình cho cơ quan công an rõ quy trình xử lý các bài báo như thế nào; hệ thống các bái viết của P.V Hoàng Khương về ngành công an, có phản ánh tích cực, có phản ánh tiêu cực…. có vẻ những vấn đề này không được cơ quan công an lưu ý.
 
Thực tế Hoàng Khương viết bài đăng báo là một kênh tố giác tội phạm, qua đó mới “xử” được Huỳnh Minh Đức.

Một anh nhà báo đi chống tiêu cực mà lại cho là một nhà báo tiêu cực, trở thành tội phạm thì là không công bằng về mặt luật pháp, về đạo lý. Vụ việc này đáng xử lý chỉ có duy nhất Huỳnh Minh Đức mà thôi.
 
 • Đàm Đệ (ghi)
 


Đàm Đệ