Quy định hành khách có thể lấy hành lý ký gửi tại băng chuyền rồi kéo thẳng ra ngoài đang khiến nhiều người lo ngại.

Từ tháng 5-2016, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) đã nâng được mức điều phối cất/hạ cánh lên 40-42 chuyến/giờ (mức tối đa hiện nay là 35 chuyến/giờ), nhằm đáp ứng nhu cầu tăng chuyến của các hãng hàng không.

Nhanh mà nguy hiểm

Để thực hiện được mức điều phối tối đa trên, các bên liên quan phải triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, có một giải pháp mà nhà chức trách đặt ra nhưng hãng hàng không chưa thực hiện được, đó là Cảng vụ Hàng không miền Nam đã yêu cầu các hãng hàng không bỏ việc kiểm tra thẻ hành lý ký gửi của hành khách đối với các chuyến bay nội địa đến sân bay TSN (sảnh nội địa đến), chỉ kiểm tra xác suất khi cần thiết.

{keywords}

Cải tạo được nút thắt cổ chai của đường lăn gần đài không lưu cũ mới tháo gỡ được tắc nghẽn ở sân bay, nhất là khi tăng tần suất cất/hạ cánh

Quy định trên đồng nghĩa với việc hành khách xuống máy bay ở sân bay TSN có thể lấy hành lý ký gửi tại băng chuyền rồi kéo thẳng ra ngoài, không phải qua bất kỳ việc kiểm tra nào. Thực tế, quy định này, hiện chỉ có hãng Vietjet (VJ) thực hiện còn các hãng khác vẫn dây dưa chưa làm.

Lý do được các hãng hàng không đưa ra là sảnh đến nội địa sân bay TSN là khu vực dùng chung cho hành khách của tất cả các hãng (vì chưa có đường ra riêng). Theo đó, khi hành khách của nhiều chuyến bay hạ cùng thời điểm, lúc lấy hành lý ký gửi mà không thông qua thẻ kiểm tra thì dễ nhận nhầm, cầm nhầm hành lý.

Đại diện một hãng hàng không chia sẻ hiện nay do hàng không phát triển rất nhanh, hành khách đi tàu bay rất đa dạng. Đã có vài chặng bay một số hành khách Trung Quốc chuyên trà trộn vào để lấy cắp tài sản của hành khách khác trên máy bay, nếu không kiểm soát thẻ hành lý của chuyến bay đến chắc chắn sẽ gia tăng mất mát hành lý, đặc biệt là hành lý của khách VIP, khách hạng thương gia. “Khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, uy tín của hãng hàng không và uy tín xếp hạng của các sân bay sẽ bị tổn hại; làm tăng chi phí của các hãng trong việc xử lý khiếu nại và bồi thường đối với hành lý bị mất,...” - vị đại diện này phân tích.

Một lý do nữa khiến các hãng hàng không e ngại là trong trường hợp có hành khách cầm nhầm hành lý “cả do vô tình hay cố ý”, dẫn đến mất tài sản thì cả hãng hàng không và hành khách đều không chứng minh được hành lý đó đã được đưa vào băng chuyền trả cho khách hay chưa, hành khách đã nhận hành lý chưa? Đặc biệt, vì các vali rất giống nhau nếu cùng của một nhà sản xuất hay các kiện hàng bằng thùng xốp, thùng carton nếu đóng gói ở cùng một sân bay thì cũng rất khó phân biệt.

{keywords}

Nếu không thông qua phiếu kiểm tra hành lý thế này thì rất có thể nhiều hành lý bị cầm nhầm

Phải đồng bộ

Để bảo đảm an toàn khi tăng năng lực cất/hạ cánh ở sân bay quốc tế TSN, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các bên liên quan thực hiện nhiều giải pháp tăng năng lực ở khu vực đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và vùng trời phục vụ máy bay đi/đến TSN.

Cụ thể, phải có những nghiên cứu, điều chỉnh, cải tạo để thuận lợi hơn cho hoạt động bay, như bố trí khu vực đỗ máy bay riêng cho mỗi hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA), VJ. Mở rộng sân đỗ và nghiên cứu hình thành các tuyến đường lăn song song để máy bay không phải xếp hàng chờ nhau ra đường băng hoặc vào nhà ga. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu phải nghiên cứu xây dựng đường lăn cao tốc cho máy bay ra/vào đường băng 07L.

Bình luận về giải pháp này, một phi công cho biết máy bay đến/đi từ sân bay TSN bị tắc nghẽn nhiều nhất ở khu vực gần đài không lưu cũ do chỉ có một đường lăn để ra/vào, phải xếp hàng chờ khoảng 10-15 phút. Nếu hôm nào có chuyến bay đặc biệt có khi phải chờ đến 30 phút mới đến lượt lăn ra/lăn vào. “Cải tạo được nút thắt cổ chai của đường lăn này mới tháo gỡ được tắc nghẽn ở sân bay, nhất là khi tăng tần suất cất/hạ cánh như hiện nay” - phi công này nhận định.

Đối với các giải pháp trong khu vực nhà ga, nhà chức trách hàng không cũng yêu cầu các hãng vận chuyển và doanh nghiệp phục vụ mặt đất phải rà soát lại các quầy bán hàng tại khu vực cách ly, khu vực làm thủ tục hàng không để có thể dành thêm diện tích lắp đặt máy làm thủ tục tự động và tăng thêm diện tích cho hành khách. Áp dụng cơ chế sử dụng chung quầy làm thủ tục hàng không, tăng thêm điểm kiểm tra soi chiếu an ninh và cửa ra máy bay. Lắp đặt thêm các máy check in tự động. Lập và triển khai kế hoạch bay cùng với trang thiết bị để bảo đảm có thể phục vụ được tối đa 45 chuyến bay/giờ...

Chỉ áp dụng với bay quốc tế

Hiện nay, các hãng hàng không chỉ thực hiện bỏ kiểm tra thẻ hành lý ký gửi đối với các chuyến bay quốc tế đến. Sở dĩ việc này thực hiện được là vì với chuyến bay quốc tế đến, sau khi nhận hành lý, khách còn phải làm thủ tục thông quan và hành lý có qua soi chiếu an ninh và kiểm tra hải quan.

Thế nhưng, theo thống kê của các hãng hàng không, vẫn xảy ra trường hợp nhận nhầm hành lý.

(Theo NLĐ)