Gốc tích "chợ lợn"

"Chợ lợn" còn gọi là chợ đầu mối gia súc gia cầm thuộc xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km được mệnh danh là lớn nhất miền Bắc.

{keywords}
Sau đó lợn được được đưa lên xe tải đi tiêu thụ, phân phối khắp các tỉnh thành

"Chợ lợn" từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc, thu hút đông đảo các thương lái từ khắp các vùng miền.

Ông Chu Quang Kiều, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu hồ hởi, dù có đi khắp miền Bắc, hiếm thấy một nơi nào có "chợ lợn" độc đáo ở như ở Bình Lục, Hà Nam.

Theo ông Kiều, sở dĩ gọi là "chợ lợn" vì phiên chợ bán toàn lợn. Độc và lạ ở chỗ tất cả lợn ở các nơi đều gom về đây, sau đó được các lái buôn phân phối cho các lò mổ ở khắp các tỉnh thành.

Những người đến chợ có thể thoải mái lựa chọn, trao đổi, mua bán, tự thỏa thuận về giá cả với người bán hay chỉ đơn giản là chơi, thăm quan ngắm những chú lợn "siêu nạc" đủ loại quy tụ tại chợ.

Nói về nguồn gốc "chợ lợn", ông Kiều chia sẻ, Bình Lục - Hà Nam vốn là một vùng đồng quê chiêm trũng nghèo nàn, người dân sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi lợn.

Do phong trào chăn nuôi lợn phát triển nên các hộ dân đã hình thành khu chợ mua bán lợn tự phát trải dài trên tuyến đường liên huyện, đoạn từ cầu Họ xã Trung Lương qua xã An Nội đến hết xã Bối Cầu.

Việc các hộ tập trung thành khu "chợ lợn" tự phát, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đã gây ra nhiều những hệ lụy khiến giao thông ùn tắc thường xuyên, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Nhận thức rõ điều này, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt chủ trương quy hoạch và cho xây dựng chợ đầu mối gia súc gia cầm đóng trên địa bàn xã Bối Cầu nhằm đưa các hộ chăn nuôi tự phát vào chợ kinh doanh tập trung.

Chợ có quy mô hơn 12.000m2 với 3 dãy chuồng nhốt lợn, mỗi dãy gồm 41 chuồng nhốt, chính thức hoạt động từ năm 2013 đến nay.

"Thủ phủ" lợn

Theo ghi nhận, từ khi chợ mới được quy hoạch một cách bài bản, khoa học đã không còn xảy ra tình trạng ách tắc giao thông như trước. Việc di chuyển, thông thương của các lái buôn vì thế cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.

Ngày nào cũng vậy, từ mờ sáng, tiểu thương khắp các tỉnh thành lại gom lợn từ các nơi về chợ đầu mối Hà Nam.

{keywords}
Cổng vào "chợ lợn" lớn nhất miền Bắc

Có mặt tại phiên chợ vào thời gian 6 giờ sáng trong một ngày trời giá rét, lúc này không khí trong phiên chợ đã bắt đầu náo nhiệt, sôi động. Hàng trăm chuyến xe tải lớn nhỏ chở theo hàng chục con lợn, nối đuôi nhau tiến vào chợ.

Lợn ở đây hầu hết là lợn thịt, trung bình khoảng từ 80-150kg được thương lái gom về từ nhiều tình thành trong cả nước nhưng chủ yếu là nguồn lợn nuôi từ các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Nam và một số tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...

Anh Trần Văn Linh, một lái buôn từ Thanh Hóa cho hay, mỗi ngày anh lấy khoảng 15 con lợn siêu nạc từ chợ đầu mối về giao cho các đại lý đầu mối ở thành phố Thanh Hóa. Trung bình mỗi tháng anh tiêu thụ được khoảng hơn 400 con lợn.

Có thời điểm khan hàng, anh phải thuê xe tải cỡ lớn để đảm bảo lượng hàng đổ về cho các đại lý.

Anh Nguyễn Thế Chinh, Phó ban Quản lý chợ cho biết, trong năm 2017, lượng lợn nhập về chợ bình quân mỗi ngày từ 1.200 - 1.500 con với sản lượng từ 145-150 tấn/ngày.

Tuy nhiên, từ năm nay 2018, do giá lợn giảm, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ bỏ nghề nên lượng lợn đổ về chợ giảm mạnh, bình quân từ 300-500 con. Thống kê tổng bình quân một tháng giao dịch tại chợ đầu mối từ 9.000 - 15.000 con lợn.

Hàng ngày, Ban quản lý chợ đều phối hợp với các ngành chức năng, Chi cục Thú y tiến hành kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nhập vào và xuất ra khỏi chợ để bảo đảm chất lượng xuất xứ từ chợ lợn đủ điều kiện cung ứng ra thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Sôi động đến 30 Tết

Trừ ngày mùng 1 Tết, còn lại các ngày trong năm, "chợ lợn" lúc nào cũng náo nhiệt, nhộn nhịp, kẻ bán người mua. Chợ bắt đầu họp vào lúc 6 giờ sáng và kết thúc vào 13 giờ chiều. Sôi động, nhộn nhịp nhất là vào khoảng 9-10 giờ sáng.

Đây là thời điểm mà các lái buôn tập trung đông đúc tại chợ để giao dịch, thỏa thuận việc mua bán lợn.

Tại các chuồng nhốt lợn, từng tốp người đứng vây kín xung quanh đàn lợn để trả giá. Cảnh người mua, người bán diễn ra tấp nập cùng với những âm thanh huyên náo tạo nên một không khí buôn bán vô cùng náo nhiệt.

Anh Đỗ Văn Đoàn, một tay "săn lợn" có thâm niên ở Hà Nam cho biết, giá 1kg thịt lợn hơi bán tại chợ đầu mối khoảng 42.000 đồng.

Tuy nhiên, giá này thường không cố định và có sự chênh lệnh tùy thuộc vào diễn biến phiên chợ. Nếu lượng người đến mua ít giá lợn sẽ rẻ, nhiều người mua lợn lại đắt.

Theo anh Đoàn, trước đây anh phải huy động các mối quan hệ từ khắp nơi đặt hàng các chủ trang trại lợn ở miền Bắc để đảm bảo số lượng tiêu thụ, có thời điểm gom khoảng 3 xe tải cỡ lớn chở lợn về nhưng vẫn cháy hàng.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, giá lợn xuống thấp, nhiều người không còn mặn mà với nghề nuôi lợn nên lượng lợn cung cấp cho các lái buôn thường không ổn định.

Theo ghi nhận, các lái buôn gom lợn từ các nơi đổ về chợ để thông thương. Lợn gom về chợ bán đều được thương lái đánh dấu theo từng ký hiệu để không bị nhầm lẫn với lợn của người khác. Nếu lợn tồn, chủ buôn sẽ gửi lợn tại chuồng để bán tiếp vào ngày hôm sau.

Nếu như trước đây, mỗi con lợn gửi tại chuồng chủ buôn phải trả phí từ 5-10.000 đồng/con thì ngày nay, việc này đã được Ban quản lý chợ xóa bỏ để đàm bảo thu hút các thương lái đổ lợn về chợ.

Đối với các lái buôn đến mua lợn tại chợ, khi xuất lợn ra ngoài, mỗi con lợn sẽ bị thu phí 5.000 đồng/con.

Giải thích việc thu phí đầu ra, ông Nguyễn Thế Chinh cho biết, để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quản lý chặt chẽ nguồn hàng giao dịch tại chợ, Ban quản lý chợ đã bố trí các hạng mục chuồng nuôi, nhốt số lượng lợn tồn trong ngày, sân bãi để xe, bể nước, khu vệ sinh giúp cho các thương lái buôn bán tại chợ đầu mối yên tâm buôn bán.

Khi chợ mới hình thành, việc thu phí đầu vào từ 500-1.000 đồng/con vấp phải sự phản ứng của các thương lái, dẫn tới việc thương lái không đưa lợn vào chợ mà bán ngay tại ven đường ảnh hưởng đến giao thông.

Để ngăn chặn tình trạng này, Ban quản lý chợ đã thống nhất không thu phí đầu vào mà chỉ tính phí đầu ra đối với các lái buôn.

Điều đặc biệt ở "chợ lợn" là giá lợn không cố định mà biến động từng ngày. Giữa người mua và người bán chỉ cần "chốt" được giá là sang tay cả xe lợn vài chục con. Việc mua bán thường diễn ra rất nhanh chóng.

Có khi xe chở lợn vừa đến nơi, nếu gặp khách quen hay người mua dễ tính thì cuộc giao dịch chỉ diễn ra trong nháy mắt. Sau mỗi cuộc mua bán, mọi người đều hồ hởi bắt tay, chúc nhau mua rẻ bát đắt khiến phiên chợ trở nên gần gũi, thân thiết.

(Theo Công Lý)