Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu quan trọng được đặt ra cho phát triển nông thôn.

Câu chuyện trên bàn nghị sự của Quốc hội và những gì đang diễn ra trong cuộc sống đều cho thấy vai trò quan trọng của nông thôn đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Nông nghiệp luôn là "bà đỡ" của nền kinh tế nước ta.

Ảnh minh hoạ

Trong một cuộc trò chuyện trên báo VietnamNet, TS Đặng Kim Sơn đánh giá, nhìn sâu vào bức tranh Đổi mới, mảng sáng nhất là mảng nông nghiệp. Người Việt Nam giờ đây không còn lăn tăn chuyện đói nữa. Nỗi lo bây giờ khác xưa rất nhiều.  An ninh lương thực của ta được đảm bảo, từ nước đói kém phải nhập gạo triền miên chuyển hẳn sang nước xuất khẩu mạnh. Giá trị gia tăng của nông nghiệp đóng góp cho nội địa là cao nhất, tỷ lệ lên tới 50 – 70% trong khi các ngành khác chỉ dưới 10%. Nông nghiệp cũng là ngành duy nhất XK đạt 31 tỷ USD và cũng là ngành duy nhất xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, trong khi cả nước luôn nhập siêu.  

Không chỉ có vấn đề nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cũng đang đua nhau "mặc áo mới". Hơn mười năm qua, cả nước sôi nổi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, với những kết quả được đánh giá là “To lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, đang làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.

Theo Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành, Việt Nam phấn đấu sánh vai các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh. Chiến lược lần này tập trung nhiều vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp.

 Chiến lược định hướng rõ cần phải chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi tư duy sản xuất từ cái chúng ta có sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường, tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền.

Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế việc chỉ làm “gia công”. Hình thành các vùng chuyên canh được đầu tư bài bản, sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững với doanh nghiệp làm đầu tàu. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp cả đầu vào và chế biến đầu ra.

Mục tiêu cụ thể của ngành NN&PTNT đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…

Theo đó, ngành nông nghiệp lên kế hoạch tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng...

Để đạt được các mục tiêu trên, các chính sách về sử dụng đất đai  cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa.

Cụ thể, trong Chiến lược cũng đã đề cập đến 10 nhóm giải pháp chính. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: Xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: Cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh... để phát triển nông nghiệp hiện đại, năng suất, bền vững, có trách nhiệm...

Để đạt được mục tiêu đề ra, chiến lược đã nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai; khẳng định việc trao quyền phân cấp cho người dân.

Đồng thời, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn, tập trung cấp thôn bản, ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân, phát triển cộng đồng. Định hướng lại phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn để “ly nông bất ly hương”, giảm tải cho các thành phố lớn; đa dạng hóa định hướng phát triển nông thôn mới ở các vùng theo ba loại mô hình (vùng ven đô, vùng chuyên canh, vùng nông thôn truyền thống); xây dựng nền “kinh tế dịch vụ” ở nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Cùng với đó, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.

Chiến lược cũng nêu bật nhiều đột phá chính sách trong việc chính thức hóa lao động phi chính thức, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động công bằng; đổi mới tổ chức nông dân và nghiệp đoàn lao động; phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã và tổ chức của nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ công cho thành viên, trong đó có dịch vụ tín dụng nông thôn.

Suy cho cùng, để nông thôn trở thành nơi đáng sống, là chốn quay về chính là việc củng cố tam nông thực sự vững như kiềng ba chân. 

Hoàng Hiệp, và nhóm PV, BTV