- Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của TP.HCM đã thay đổi về câu trúc, tiệm cận với cấu trúc của đề thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.

Ở cấu trúc cũ  câu 1 (1 điểm) tái hiện kiến thức văn học; câu 2 (1.0 điểm) kiến thức ngữ pháp Tiếng Việt; câu 3 (3.0 điểm) nghị luận xã hội, câu 4 (5.0 điểm) nghị luận văn học. Trong khi cấu trúc đề thi năm nay là câu 1 (3.0 điểm) đọc hiểu - kiểm tra toàn diện kiến thức văn học và đời sống cũng như kiến thức ngữ pháp; câu 2 (3.0 điểm) nghị luận xã hội; câu 3 (4.0 điểm) nghị luận văn học.

Đây là cấu trúc của đề thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 năm nay.  Đề thi này giúp các em làm quen được với cách học và kiểm tra đánh giá theo hướng đổi mới năng lực học sinh của Bộ GD-ĐT, học sinh 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia cũng có thể tham khảo.

Nét mới các câu hỏi trong đề thi này là câu 1 của đề thi là đọc hiểu lần đầu tiên áp dụng cho tuyển sinh 10. Tuy nhiên, giáo viên các trường đều đã nắm được vấn đề này nên đã ôn tập rất kĩ cho các em, học sinh có thể hoàn thành câu 1 dễ dàng.

Trong khi đó, sự đổi mới lớn nhất ở đề thi nằm ở câu 3 - nghị luận văn học thể hiện ở các khía cạnh: Đề thi đã giảm thang điểm từ 5 điểm xuống còn 4 điểm, phần nào giảm đi áp lực học tập căng thẳng cho các em, đồng thời khắc phục được tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan vì tâm lý lo lắng.

Giúp phân loại thí sinh rất lớn, học sinh mức trung bình chỉ có thể làm được yêu cầu thứ nhất (cảm nhận bức tranh thiên nhiên ở 2 đoạn thơ Sang thu – Hữu Thỉnh), học sinh có học lực khá, giỏi sẽ làm tiếp yêu cầu thứ 2 (liên hệ một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác có cùng đề tài thiên nhiên và so sánh điểm tương đồng) vì thao tác lập luận so sánh này phải có khả năng về kiến thức và kĩ năng mới giải quyết tốt được, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt vốn đang tồn tại trong học sinh.

Nhìn chung, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay khá nhẹ nhàng cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo đánh giá được khả năng và phân loại được học sinh. Quan trọng nhất đề Văn mang được hơi thở của thời đại (ngữ liệu đọc hiểu) và gây nhiều hứng thú cho việc dạy và học văn của thầy và trò các trường THCS.

  • Giáo viên Hồ Hoài Khanh (Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)