Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc kiểm tra và đánh giá học sinh, chuyển từ chú trọng kiểm tra kiến thức ngôn ngữ sang đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Đề thi tham khảo THPT môn Tiếng Anh từ năm 2025 phản ánh rõ tinh thần đổi mới này, khi tích hợp kiểm tra kiến thức ngôn ngữ trong kiểm tra kĩ năng sử dụng ngôn ngữ.

Cấu trúc đề thi hướng đến đánh giá năng lực toàn diện

Đề thi từ năm 2025 tập trung vào kỹ năng đọc hiểu, vì đây là kỹ năng tích hợp, cho phép kiểm tra trực tiếp và gián tiếp các bình diện về kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp cũng như khả năng tiếp nhận, xử lý, và vận dụng các kĩ năng khác như nói và viết. 

Đề thi được xây dựng đúng theo cấu trúc định dạng đã công bố ngày 29/12/2023 với 40 câu hỏi trắc nghiệm, 4 lựa chọn. Nội dung kiểm tra dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình tiếng Anh THPT, tập trung chủ yếu vào vùng kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ của chương trình lớp 12. Các ngữ liệu được sử dụng đều mang tính thời sự và thực tiễn, giúp học sinh thể hiện được khả năng tiếp nhận và xử lý ngôn ngữ thông qua các tình huống quen thuộc trong đời sống và các tài liệu truyền thông về những chủ đề phổ biến.

Cấu trúc đề thi được chia thành 6 phần, mỗi phần đảm nhiệm một vai trò trong việc đánh giá năng lực:

Phần 1 & 2: Kiểm tra khả năng sử dụng từ vựng và ngữ pháp trong các văn bản có tính thực tiễn cao.

Phần 3: Kiểm tra khả năng xây dựng thông tin logic theo cấu trúc ngôn bản và văn bản chuẩn có tần suất sử dụng cao trong nhiều môi trường như nhà trường, công sở, đời sống hàng ngày.

Phần 4: Kiểm tra khả năng phân tích các văn bản học thuật cả về ngữ nghĩa và cấu trúc thông tin.

Phần 5: Kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản có độ dài 280-300 từ (có độ khó trung bình theo quy định về chuẩn đầu ra), đánh giá khả năng tìm kiếm, định vị và hiểu thông tin chi tiết trong văn bản.

Phần 6: Kiểm tra khả năng đọc hiểu chuyên sâu các văn bản có độ dài tương tự (có độ khó cao nhất theo quy định về chuẩn đầu ra), đánh giá khả năng phân tích tính thống nhất và mạch lạc của văn bản, tổng hợp thông tin và xác định được các biện pháp tu từ để hiểu được các lớp ý nghĩa của thông tin trong văn bản.

Đảm bảo tính công bằng giữa các vùng miền

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh được xây dựng dựa trên điều kiện thực tế về kinh tế, xã hội của các địa phương, nhằm đảm bảo sự công bằng trong đánh giá năng lực. Mặc dù bài thi không thể kiểm tra toàn diện tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng việc tập trung vào những nội dung khả thi và phù hợp giúp kỳ thi diễn ra thuận lợi trên toàn quốc.

Kết quả của bài thi này sẽ được kết hợp với quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên tại trường, tạo ra bức tranh tổng thể về năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh theo chuẩn đầu ra (bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) được xác định rõ trong chương trình giáo dục môn tiếng Anh ở bậc PTTH.