- Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Cảnh vệ do Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình trước UB Thường vụ QH sáng nay.

Dự thảo luật Cảnh vệ đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh án Tòa án NDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC.

{keywords}
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an

Trình dự luật này trước UB Thường vụ QH sáng nay, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại VN.

Cụ thể bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng CP, Chủ tịch QH.

Ngoài ra còn có: nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch QH; các Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư TƯ Đảng; Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch QH.

Dự luật cũng đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh án Tòa án NDTC và Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC.

Cảnh vệ có quyền nổ súng?

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ, được nổ súng trong các trường hợp:

Để cảnh cáo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ. Các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, trưng dụng tài sản, phương tiện của lực lượng vũ trang, cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác cảnh vệ, trừ trường hợp người, tài sản, phương tiện thuộc cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và những người được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo quy định của pháp luật VN và các điều ước quốc tế mà VN là thành viên.

Bộ trưởng Công an cho biết thêm, do cảnh vệ là lực lượng đặc thù nên dự luật quy định lực lượng cảnh vệ được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an ND hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội ND và được hưởng phụ cấp, chế độ ưu đãi đặc thù do Chính phủ quy định.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh QH Võ Trọng Việt đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định hiện hành.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh QH Võ Trọng Việt

Ông Võ Trọng Việt cho rằng nếu bổ sung Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC thì một số chức danh bộ trưởng khác như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung.

“Như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở VN phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh QH lo ngại.

UB này cũng thấy việc cảnh vệ được huy động người, tài sản là cần thiết, đảm bảo tính cơ động nhưng chỉ được thực hiện trong trường hợp cấp bách khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng và cảnh vệ huy động người, tài sản, phương tiện phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tương tự, việc cảnh vệ được sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ là cần thiết để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ.

Tuy nhiên, UB Thường vụ QH đề nghị nghiên cứu thiết kế lại quy định này để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng.

Chung Hoàng