Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3% (tăng từ 370.000-450.000 đồng so với năm 2017).

Ngày 27/6, phiên họp thứ nhất để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) được tổ chức tại Hải Phòng.

Mức đề xuất quá chênh lệch giữa hai bên

Tại phiên họp lần này, các bên đã cung cấp thông tin, đề xuất một số phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 để các thành viên của HĐTLQG thảo luận.

Cụ thể, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3% (tăng từ 370.000-450.000 đồng so với năm 2017). Với mức tăng đề xuất này, Tổng LĐLĐVN mong muốn kết thúc “cuộc rượt đuổi” giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vào năm 2018, lương tối thiểu sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu.

{keywords}

Phiên họp lần thứ nhất bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ngày 27.6

Trong khi đó, đại diện giới sử dụng lao động, ở đây là VCCI chỉ đề xuất xem xét điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 bằng với mức đủ bù trượt giá năm 2017 là dưới 5%. Bộ phận kỹ thuật HĐTLQG đưa ra 3 phương án: Tăng 5%, 6% và 6,7%.

Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là hiện nay, đời sống của công nhân lao động còn hết sức khó khăn, nên cần tăng lương tối thiểu vùng với mức như Tổng LĐLĐVN đề xuất để công nhân lao động an tâm gắn bó với DN, tăng năng suất lao động, có điều kiện phát triển giai cấp công nhân VN. Người sử dụng lao động cần phải có quan điểm coi người lao động là một bộ phận của DN và cần có chính sách quan tâm phát triển để họ đồng hành cùng DN.

Tuy nhiên, Tổng LĐLĐVN cũng chia sẻ quan điểm tăng lương tối thiểu vùng cần hài hòa với sự phát triển của DN để đảm bảo cạnh tranh; DN có điều kiện chăm lo cho NLĐ.

Với mức đề xuất điều chỉnh giữa Tổng LĐLĐVN và VCCI quá chênh lệch, nên phiên họp thứ nhất thương lượng phương án lương tối thiểu vùng năm 2018 của HĐTLQG đã kết thúc mà chưa thống nhất được phương án. Các bên sẽ có phiên họp tiếp theo để tiếp tục thương lượng, tìm ra phương án hài hòa giữa các bên.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp giao bộ phận kỹ thuật HĐLTQG tổng hợp ý kiến của các bên; bổ sung các luận cứ cần thiết để trình Hội đồng tiếp tục thảo luận trong phiên họp lần sau. Đồng thời, hai bên đại diện người sử dụng lao động và người lao động cần xem xét để tại phiên họp lần thứ 2 sẽ đàm phán, thương lượng, sớm thống nhất tìm ra được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đảm bảo hài hòa lợi ích các bên để trình Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Công nhân không đủ sống

Trong khi phiên họp lần thứ nhất chưa tìm ra được phương án tăng lương tối thiểu vùng, thì công nhân lao động trong các KCN vẫn đang phải sống rất khó khăn. Có thể nói, điệp khúc “lương không đủ sống” đeo bám công nhân từng ngày. Ngày nào cũng chăm chỉ đi làm từ 9 đến 12 tiếng vậy mà lương vẫn không đủ ăn, không có tiền để dành, đó là thực trạng chung của hầu hết công nhân hiện nay.

Chúng tôi tìm đến xóm trọ công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung Đông Anh Hà Nội vào buổi trưa ngày 24.6 khi công nhân đang chuẩn bị bữa trưa tại căn phòng nhỏ, người thì vừa đi chợ mua thức ăn về. Thực phẩm mà công nhân mua cho bữa trưa của mình chủ yếu là mớ rau muống, lạng thịt, tôm hoặc tép,... Có người chỉ mua chiếc bánh mì ăn cho xong bữa.

Trời nắng nóng, trong một căn phòng nhỏ hẹp, bỏ trống chưa đến 10 mét vuông, chúng tôi nhìn thấy chị Hà - làm việc tại Cty Hoya, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội - đang nấu mì bằng bếp ga mini.

Chị có vẻ ngại ngùng: “Tôi nấu mì ăn cho nhanh, vừa đi làm ca về mệt, cũng không muốn nấu nướng gì. Trời nắng, cơm cũng không muốn ăn. Với lại, giờ nấu cơm cũng tốn kém lắm, mình phải mua rau, mua thức ăn, gạo nước,... Ở quê mình thì thịt rẻ 30.000 đồng/kg, chứ trên đây vẫn 70.000 - 80.000 đồng/kg như thường. Vì vậy, ăn mì với quả trứng mang lên cho tiện”.

Chị Phạm Thị Thuận (quê Nghệ An, đang làm tại Cty TNHH Panasonic Việt Nam) cũng cho hay: “Tôi đã làm ở đây được 7 năm rồi, mức lương cơ bản vào khoảng 4,7 triệu đồng. Mỗi tháng tôi tăng ca, làm thêm 12 tiếng thì cũng được khoảng gần 7 triệu. Lương công ty tôi cũng thấp so với mặt bằng chung ở KCN Bắc Thăng Long, nhưng tôi theo lâu rồi nên không muốn bỏ. Con còn nhỏ, thời gian trước để ở quê với bố nhưng vì nhớ con quá nên năm nay tôi cho lên ở cùng. Năm tới cho con đi nhà trẻ, tôi đang băn khoăn không biết nên để con học ở quê cho rẻ hay cho lên đây học để được gần con. Sắp tới lại lo đóng học phí cho con mỗi tháng nữa, không hiểu tôi có gánh được không.

Bố nó cũng lên cùng, cũng tính đi tìm việc ở đây nhưng mới chỉ tốt nghiệp cấp hai nên khó xin việc vì đa phần các Cty đều yêu cầu tốt nghiệp cấp ba. Chính vì vậy, thời gian này “một lương” phải nuôi “ba người” cũng khó khăn”.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của công nhân lao động trong các DN năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, có khoảng 50% công nhân hiện nay gặp nhiều khó khăn, bất bình trong công việc và cuộc sống. Chỉ có 14,8% công nhân có ý định để con của mình nối nghiệp và 39,8% số công nhân muốn gia nhập đội ngũ giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, hiện tồn tại khoảng 30% công nhân thuộc diện thu nhập thấp, có con nhỏ, lao động nghèo nhập cư,... đang có cuộc sống cùng cực và bị tha hóa về lối sống, suy nghĩ tiêu cực, thiếu thiện chí trong lao động và cuộc sống.

Vào ngày 20.7.2016, trong phiên họp lần thứ nhất của HĐTLQG thương lượng mức lương tối thiểu vùng năm 2017, Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng 11,11%, VCCI chỉ muốn tăng tối đa 5,1%.Cũng giống như năm nay, phiên họp lần thứ nhất năm 2016 kết thúc mà không thống nhất được phương án.

Tại phiên họp lần thứ 2 diễn ra tại Vĩnh Phúc vào ngày 2.8.2016, Tổng LĐLĐVN tiếp tục bảo vệ luận điểm tăng lương tối thiểu vùng 11%. Tới 13h cùng ngày, với sự nhượng bộ giữa các bên, HĐTLQG mới thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng của năm 2017 tăng trung bình 7,3% và trình lên Chính phủ xem xét.

(Theo Lao động)