- Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đề xuất thí điểm mô hình bí thư hoặc chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc thí điểm trái với luật hiện hành nên phải đợi tổng kết 5 năm thi hành luật.
Chiều 14/10, UBTVQH nghe báo cáo và thảo luận công tác phòng chống tham nhũng năm 2011.
Phải tổng kết hoạt động ban chỉ đạo
Một trong những vấn đề được Tổng TTCP đề xuất là thí điểm mô hình bí thư hoặc chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, thay cho chủ tịch tỉnh như hiện nay.
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, TTCP đưa ra đề xuất này là để nhằm mục đích tách hẳn những người vừa làm công tác quản lý nhà nước, vừa làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Lê Anh |
TTCP đã báo cáo đề xuất này với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Quan điểm của Chủ tịch nước là trước mắt chưa thể làm ngay mà cần phải báo cáo với UBTVQH. Nếu UBTVQH đồng ý, có thể cho phép làm thí điểm ở một số tỉnh. Sau khi thí điểm, đánh giá hiệu quả và tùy điều kiện cụ thể để tiến hành sửa Luật phòng chống tham nhũng. Sau này nếu có đánh giá lại hiệu quả thì có thể tiến hành sửa luật, điều chỉnh mô hình tổ chức ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Trước đề xuất mới này, các thành viên UBTVQH đã bày tỏ nhiều băn khoăn.
Như Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, trước khi muốn tiến hành thí điểm, TTCP phải tổng kết, xem xét lại mô hình ban chỉ đạo hiện nay, rút ra những mặt được và chưa được. Phải tổng kết xem trong quá trình hoạt động lâu nay, nếu người đứng đầu là chủ tịch tỉnh thì gặp phải những vướng mắc, hạn chế gì.
“Việc thí điểm đưa bí thư thay chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng rất quan trọng. Cần đánh giá trước khi thực hiện”, ông Lý nói.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đề xuất của TTCP chưa dựa trên căn cứ thực tiễn. Do chưa có tổng kết, đánh giá mô hình hoạt động hiện tại nên chưa thể vội vàng tiến hành thí điểm theo mô hình mới.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, TTCP cần có tờ trình riêng về vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của Thường vụ, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho hay, tuy chưa tổng kết mô hình hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh song thời gian qua, rất nhiều ý kiến từ phía các đại biểu Quốc hội cũng như trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương về việc xem lại vấn đề phân công chủ tịch tỉnh làm trưởng ban liệu đã hợp lý.
“Tuy nhiên, để đưa ra Quốc hội là phải có tờ trình rõ ràng. Chúng tôi xin rút lại kiến nghị này, đợi tổng kết 5 năm thi hành luật phòng chống tham nhũng rồi sẽ xem xét”, ông Lượng nói.
Cẩn thận bệnh ‘nhờn thuốc’ với tham nhũng
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cũng “vấp” phải sự không hài lòng của các thành viên UBTVQH. Báo cáo được nhìn nhận là còn sơ sài, chưa đưa ra được các đánh giá, nhận định cũng như đề xuất mới.
Thẩm tra báo cáo, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng, cần đánh giá thêm về chất lượng các vụ án tham nhũng. Hiện nay, hầu hết vụ tham nhũng đều xử lý kỷ luật chứ không xử lý hình sự. Thậm chí, nhiều vụ việc tham nhũng gây thất thoát tiền tỷ nhưng người đứng đầu cũng chỉ bị cảnh cáo.
Theo ông Hiện, nhiều địa phương, ban ngành cho rằng tình hình tham nhũng đã giảm. Nhưng thực tế, như đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, thì Việt Nam vẫn chỉ được 2,7/10 điểm và tình hình vẫn không cải thiện.
Ông Hiện đề xuất phải phân tích làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phát hiện được các vụ việc tham nhũng, như: tình trạng buông lỏng ở một số cơ quan điều tra, công tác tự thanh tra, kiểm tra, tự phát hiện trong nội bộ và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh chưa cao.
Đáng chú ý, theo ông Hiện, tài sản phát hiện được do tham nhũng lên tới hơn 15 nghìn tỷ đồng nhưng thu hồi nộp ngân sách nhà nước lại rất hạn chế, chỉ chiếm 2,6% (300 tỷ đồng).
Ông Hiện cũng chỉ ra một số điểm mâu thuẫn khác. Chẳng hạn, trong khi báo cáo về tình hình công tác tội phạm nói chung thì Chính phủ nhận định là các loại tội phạm tăng cả về số vụ lẫn mức độ nguy hiểm. Nhưng khi báo cáo về phòng chống tham nhũng thì Chính phủ lại nhìn nhận là số tội phạm giảm, số vụ phát hiện và xử lý cũng giảm. Đây là những nhận định cần được làm rõ.
Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tình hình phòng chống tham nhũng vẫn chuyển biến chậm. Các biện pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả cao.
“Khi lập ban chỉ đạo phòng chống thì ta đặt nhiều hy vọng. Nhưng đến nay đã phải xem lại vấn đề này. Cẩn thận với căn bệnh nhờn thuốc với tham nhũng khi nhiều nơi lại quen dần với tham nhũng, hối lộ”, ông Lý nói. Bởi, tham nhũng là một kẻ thù giấu mặt.
Đồng tình với các ý kiến phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng TTCP phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn. Phải đưa ra kế hoạch hành động thì tính chiến đấu mới rõ. “Vấn đề rất phức tạp, rất khó khăn, nhưng báo cáo của chúng ta lại cứ đều đều”, ông Hùng nói.
Báo cáo sẽ được hoàn thiện trước khi trình kỳ họp Quốc hội khai mạc cuối tháng này.
Lê Nhung