Quốc hội chiều nay (27/7) thảo luận tại hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho biết trong bối cảnh hiện nay, Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh.
Cử tri và nhân dân đề nghị đẩy nhanh hơn nữa nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước. Tuy nhiên, điều cử tri còn băn khoăn, đó là việc đầu tư sử dụng vốn nhà nước cho khoa học, công nghệ có "điểm nghẽn" nào cần tháo gỡ, đã tận dụng được hết các nghiên cứu sản xuất vắc xin chưa, cần tăng cường giám sát của Quốc hội.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh |
Ông nêu thực tế, hiện chi ngân sách cho khoa học, công nghệ đạt chỉ tiêu 2%, đã ảnh hưởng đến vai trò vốn mồi của đầu tư công trong thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, không thúc đẩy hợp tác công tư trong nghiên cứu.
Bên cạnh những hạn chế trong chi ngân sách, theo ĐB vướng mắc lớn nhất là chưa có tiếng nói chung giữa người làm khoa học và người quản lý tài chính. Một số cơ chế ưu đãi thuế khó thực hiện do chưa đồng bộ trong quy định giữa quy định thuế và khoa học công nghệ.
Ông đề xuất Quốc hội bố trí ngân sách giai đoạn 2021-2025 và hằng năm cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, trước mắt là nguồn vốn cho phát triển công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19.
Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ.
Nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá vượt trội có kiểm soát về tài chính, các chính sách về thuế, cơ chế đầu tư mạo hiểm để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ nói chung và phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh nói riêng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cũng đề nghị ưu tiên xây dựng Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vắc xin quốc gia để phòng bệnh trong dài hạn.
ĐB Nguyễn Đình Khang (đoàn Ninh Thuận) đồng tình cao về tờ trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trình. Ông đề nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào danh mục đầu tư công và mong muốn được Quốc hội thảo luận thông qua và quan tâm bố trí vốn cho nhiệm vụ này.
ĐB Nguyễn Đình Khang |
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà. Dịch bệnh vừa qua thì "bức xúc này càng lộ rõ", hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát chật chội, thiếu tiện nghi, giá thuê cao.
ĐB Nguyễn Đình Khang nêu ví dụ: "Có những địa phương tại một thôn gần KCN chỉ có 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động".
Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng thì cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 hecta và mới hoàn thành 116 dự án với diện tích 250 hecta. Như vậy mới chỉ có khoảng 41% diện tích được đầu tư đưa vào sử dụng.
Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thì đến nay cả nước mới có khoảng 2,58 triệu m2 chỉ đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động.
ĐB tỉnh Ninh Thuận nhận xét, con số này quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Ông cho rằng phải bố trí một phần vốn ngân sách để làm vốn mồi cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, không thể khoán trắng việc xây dựng nhà ở xã hội cho kinh tế ngoài nhà nước. Chính phủ đã rất cố gắng có các giải pháp cân đối để trình Quốc hội, dự kiến dành hơn 27% ngân sách cho đầu tư phát triển và lĩnh vực nào cũng rất quan trọng.
Trần Thường
Quốc hội đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm
Chiều 27/7, có 475/477 ĐBQH có mặt tán thành (tương đương 95,59% tổng số đại biểu) - Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.