- Rất nhiều hộ gia đình, vì diện tích chật hẹp mà trưng dụng cả những căn hộ chuồng cọp để làm phòng ngủ, phòng sinh hoạt. Chính vì thế mà đã có rất nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt xoay quanh cuộc sống trong những căn phòng đặc biệt này


Vừa "sex" vừa run

Đối với nhiều người dân đã và đang sống trong những khu tập thể cũ thì việc sống và sinh hoạt trong những chuồng cọp lơ lửng giữa không trung là chuyện “xưa như diễm”. Vì ở những khu tập thể cũ này, hầu như hộ nào cũng tự mở rộng thêm diện tích ngôi nhà, để làm chỗ phơi đồ, làm nhà bếp, nhà vệ sinh, thậm chí đối với những hộ đông dân thì “chuồng cọp” còn trở thành phòng sinh hoạt.

Tuy nhiên đối với những người không sống quen cảnh này thì việc phải sinh hoạt trong một “chuồng cọp” như vậy lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Trường hợp của Duyên (Thanh Xuân Bắc - Hà Nội) là một ví dụ.


Theo lời kể của Duyên thì nhà chồng cô là một căn phòng nằm trên tầng 3 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, với diện tích 15m2, và một phòng gia cố thêm được khoảng 12m2.

Từ ngày anh con trai út lấy vợ thì căn phòng 12m2 đã được tu sửa lại để 2 vợ chồng trẻ có chỗ “riêng tư”.

Duyên kể: “Ngày đầu bước chân về làm dâu, em được chồng dẫn vào căn phòng phía trong nơi mà người ta vẫn gọi là khu chuồng cọp rồi giới thiệu là nơi ở của 2 vợ chồng, em đã thoáng giật mình. Nhưng vì ban ngày có quá nhiều việc phải lo, nên em quên đi sự sợ hãi. Đêm đến, nhìn lên chiếc trần được ốp bằng nhựa em mới nhớ ra là mình đang nằm vắt vẻo trên tầm cao hơn 10m2 so với mặt đất, với cái bệ đỡ chỉ là những thanh sắt đã cũ, rỉ, tồn tại từ mấy chục năm nay. Thế là mồi hôi em cứ túa ra đầm đìa.

Đã thế, đang lúc 2 vợ chồng gần gũi thì thỉnh thoảng lại có những bước chân huỳnh huỵch phát ra từ căn phòng chuồng cọp phía trên khiến em có cảm giác như cả căn phòng của mình đang rung lắc".

Nói nhỏ với chồng thì chồng bảo: “Người ta sống ở đây mấy chục năm nay, đã bao giờ xảy ra chuyện gì đâu mà sợ. Phòng mình được gia cố thêm bằng những thanh sắt, chứ có phải ghép bằng mấy thanh gỗ đâu mà sợ mưa gió lâu năm nó mục ra".

“Biết là chưa xảy ra vụ sập chuồng cọp nào, nhưng chắc chắn nó cũng không vững vàng được như lời chồng nói” - Duyên cố cãi, nhưng lại bị chồng gạt phắt đi.

Cuộc cãi nhau nhỏ chỉ xoay quanh căn phòng khiến cho cả 2 đều không còn hứng thú gần gũi nào nữa. Thế là đêm tân hôn kết thúc.

Hôm sau, không còn cái cảm giác sợ hãi về căn phòng như hôm trước nữa, nhưng việc gần gũi của 2 vợ chồng cũng bị đứt đoạn liên tục vì đang đến cao trào thì lại có tiếng bước chân người từ phòng ngoài đi vào khiến 2 vợ chồng nín thở, rồi vài phút sau là tiếng nước nhà vệ sinh chảy ào ào, thế là mất hứng.

Cười ra nước mắt

Là cô dâu mới, thấy căn phòng cái gì cũng thiếu nên Duyên muốn đi mua sắm thêm những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt gia đình như máy giặt, tủ quần áo... nhưng cứ hễ đề xuất lên là y như rằng chồng và mẹ chồng Duyên can vì để nhiều đồ trong phòng không tiện, sức chịu của những thanh thép là có hạn. Còn phòng ngoài thì đã hết chỗ chứa từ lâu.

Đã thế, việc đi lại trong căn phòng đặc biệt này lúc nào cũng phải nhẹ nhàng. Không bao giờ được để quá 2 người cùng đi lại trong phòng, để đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Cho nên, việc tắm gội, hay người nấu cơm cũng phải có sự phân công rõ ràng. Có người ở trong căn phòng này thì người kia phải tự giác đi ra phòng ngoài.
"Sàn" của một chuồng cọp

Mẹ chồng Duyên bảo, cứ để phòng thế thôi, chứ từ trước tới nay, chưa có trường hợp nào xảy ra tai nạn khi sống trong những căn hộ chuồng cọp thế này cả. Người ta sống được thì mình cũng sống được.

Chính vì tâm lý như vậy, nên hàng mấy chục năm nay, bố mẹ chồng Duyên, và những người dân tại các khu tập thể vẫn ngang nhiên sống, và sinh hoạt trong những căn phòng “chuồng cọp” như thế này. Ít ai biết rằng, nhưng tại họa đang rình rập và có thể ập xuống gia đình họ bất cứ lúc nào.

L.V