“Đi du lịch có mang theo… sổ đỏ không?”
Những ngày cận tết này, tại các phòng tour hiện nay đã bắt đầu sôi động trong công tác họp chuẩn bị xuất hành cũng như tư vấn, tiếp nhận hồ sơ làm tour.
Mang theo CMND, giấy khai sinh bản chính, khách nước ngoài phải có VISA Việt Nam… cho đến kinh nghiệm xử lý khi thất lạc hành lý ký gửi được các hướng dẫn chia sẻ chi tiết.
Các buổi họp họp đã bắt đầu sôi động chuẩn bị cho chuyến xuất hành đầu xuân |
Hướng dẫn viên Nguyễn Phương Tiến, chuyên dẫn tour Philippine, cho biết: “Những vấn đề tưởng chừng như đơn giản, khó có thể xảy ra thì chúng tôi vẫn hay đối mặt. Ví dụ như lỡ mất hộ chiếu khi ở nước ngoài thì cần phải có CMND để làm giấy thông hành, trẻ em thì phải có giấy khai sinh bản chính, thủ một một đồ trong hành lý xách tay để phòng khi thất lạc hành lý ký gửi, dung dịch lỏng mang theo người không quá 100ml cho dù trong vật đựng còn rất ít, nhân viên kiểm soát chỉ căn cứ vào thông tin trên bao bì…”.
Giấy tờ tùy thân cần mang theo đầy đủ phòng khi có sự cố |
Theo kinh nghiệm, hướng dẫn viên cho rằng nên thủ sẵn một bộ đồ gọn nhẹ trong hành lý xách ty để phòng khi thất lạc hành lý ký gửi, nhưng xác suất xảy ra việc này là rất thấp.
Chuẩn bị một bộ đồ gọn nhẹ phòng khi thất lạc hành lý ký gửi là một trong những kinh nghiệm được chia sẻ |
Khi lắng nghe những điều dặn dò quá chi tiết từ hướng dẫn viên, một hành khách còn hỏi vui: “Có mang sổ đỏ theo không?” khiến cả đoàn cười nghiêng ngã.
Thực tế, Phóng viên từng bị giữ lại tại cửa nhập cảnh Thái Lan khi nhân viên an ninh không quét được dòng mã số trên hộ chiếu và được mời vào khu vực cách ly.
Lúc này, Phóng viên được yêu cầu cung cấp CMND để đối chiếu và sau đó thông quan. “Đừng nghĩ rằng đi nước ngoài chỉ cần hộ chiếu. Khách du lịch phải mang theo đầy đủ tất cả giấy tờ tùy thân phòng khi có sự cố”, anh Phương Tiến cho biết.
Các buổi họp tour nội địa cũng “nóng” không kém khi khách hàng đưa ra những yêu cầu như: “Theo chị biết là trên đèo Mã Pí Lèng có lối xuống dòng sông bên dưới. Khách tụi chị sẽ tự chịu chi phí, nếu chỉ đứng trên đèo chụp ảnh thì mấy bé sẽ không thích”.
Kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn viên Thùy An lý giải: “Thưa chị, cung đường từ Đồng Văn qua Cao Bằng thứ nhất là rất xa. Thứ hai, mình có ghé vào chợ phiên của người dân địa phương. Đèo Mã Pí Lèng này không có đoạn nào đi xuống dòng sông bên dưới. Cung đường đèo Hạnh Phúc có trạm dừng chân là nơi ghi nhận công lao của hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... và góc nhìn từ đây là đẹp nhất. Phía dưới dòng sông Nho Quế bây giờ đã bị ngăn lại làm đập thủy điện và chỉ có người dân địa phương đi bằng xe máy, không có ô tô đi và không có đoàn nào xuống được”.
Sau khi được giải thích cặn kẽ, vị khách trên không còn ý định xuống khám phá dòng sông Nho Quế.
(Theo Dân trí)