- Con tôi đang học lớp 10. Vừa rồi cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy Văn ở lớp cháu mở lớp học thêm tại nhà. Hầu như các cháu trong lớp đều đăng ký.
Nhưng do con tôi theo học khối A1 không có môn Văn, nên không có nhu cầu học thêm môn Văn. Cháu cũng cần dành thời gian học những môn khác nên tôi cũng không muốn cháu theo học lớp học thêm đó. Tuy vậy tôi cũng rất lo nếu không đăng ký học thì con có thể gặp những vấn đề khó nói trên lớp, chẳng hạn bị cô "trù".
Xin hỏi luật sư việc mở lớp dạy thêm của cô giáo có phù hợp với quy định của pháp luật không? Nếu không mà cô vẫn dạy thì sẽ bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa |
Theo đó, khoản 2, 3 điều 2 của Thông tư 17 thì dạy thêm, học thêm có hai hình thức:
1) Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức.
2) Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục trong quy định 1) tổ chức.
Theo quy định tại điều 3 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì hoạt động dạy thêm, học thêm được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Theo Điều 4 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm:
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Nếu vi phạm quy định về dạy thêm, sẽ áp dụng chế tài xử lý theo Điều 7 Nghị định 138/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với các mức:
1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không bảo đảm cơ sở vật chất theo quy định;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;
c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;
d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 điều này;
b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 điều này;
b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 1 điều này.
Căn cứ theo quy định trên, thì giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Hiện tại chỉ có quy định xử phạt khi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng khi chưa được cấp phép, không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc