Phú Yên có hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống: Ba Na, Ê Đê, Chăm, Tày, Nùng.... Nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp, mang lại những hiệu quả tích cực, qua đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc.

W-anhminhhoa-5.png
Ảnh minh hoạ

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 04/3/2013 thực hiện "Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh"; Kế hoạch số 66/KH-UBND, ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc số Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở đó, các ban, ngành chức năng đã chủ động lồng ghép các nguồn lực, các chương trình dự án để thực hiện, đưa vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần triển khai thực hiện việc bảo tồn và phát huy văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có hiệu quả.

Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên luôn được quan tâm. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống  tổ chức điều tra di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời đánh giá hiện trạng, giá trị di sản văn hóa để lựa chọn, tiến hành việc sưu tầm, nghiên cứu trên từng địa bàn và từng dân tộc. 

Đặc biệt, việc thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2023-2025 của UBND tỉnh đã góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; từng bước xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch, thu hút và đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, gồm các loại hình: tập quán xã hội và tín ngưỡng (54 di sản); nghệ thuật trình diễn dân gian (18 di sản); lễ hội truyền thống (21 di sản); nghề thủ công truyền thống (30 di sản); tiếng nói, chữ viết (01 di sản); ngữ văn dân gian (48 di sản); tri thức dân gian (13 di sản). Một số di sản quý báu của các dân tộc được phục dựng phục vụ công tác bảo tồn, phát triển du lịch và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Đã thực hiện một số dự án văn hóa phi vật thể như: Điều tra, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể vùng cửa sông Đà Diễn; Điều tra, khảo sát hệ thống di sản văn hóa lưu vực sông Ba; Sưu tầm, bảo tồn hò giã gạo địa bàn thị xã Sông Cầu; Sưu tầm, bảo tồn văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số; sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Phú Yên; sưu tầm, bảo tồn lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên.

Trong đó, có 04 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên (2014); Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên (2015); Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân (2016); Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên (2018). Đặc biệt di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 07/12/2017.

Lê Thúy và nhóm PV, BTV