Một số bạn trai, đặc biệt là những bạn đang ở độ tuổi mới lớn, thường hay băn khoăn về hình dạng và kích thước “cậu nhỏ” của mình.
Một số bạn trai, đặc biệt là những bạn đang ở độ tuổi mới lớn, thường hay băn khoăn về hình dạng và kích thước “cậu nhỏ” của mình. Qua bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số những hiểu biết nhất định về hình dạng, kích thước của “cậu nhỏ” bình thường và bất thường.
Ảnh minh họa. |
Thế nào là “cậu nhỏ” bình thường?
Dương vật (cậu nhỏ) gồm 3 ống xốp nằm song song nhau. Đó là 2 thể hang tạo thành phần trên của dương vật, và 1 thể xốp nằm ở dưới, giữa 2 thể hang và bao xung quanh niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài); thể xốp tạo thành quy đầu (phần đầu của dương vật). Mỗi ống xốp này được bọc một bao mỏng, gọi là bao xơ trắng. Chiều dài của dương vật trung bình khi chưa cương cứng khoảng 5 - 7 cm, và khi cương cứng thì kéo dài thêm khoảng 7 - 9 cm so với khi chưa cương cứng.
Điều quan trọng đối với dương vật, cũng như đối với nhiều bộ phận khác của cơ thể, là nó có hoàn thành tốt chức năng được tự nhiên đi tiểu và sinh sản hay không? Giống như có người cao kẻ thấp, dương vật cũng có độ dài, ngắn khác nhau tùy theo người. Y học chỉ coi là ngắn nếu dương vật dài ít hơn 4 cm. Về hình dạng, dương vật ít khi thẳng hoàn toàn mà thường hay bị lệch một chút.
Những dị tật thường gặp ở “cậu nhỏ”
Dương vật ngắn. |
Cong dương vật bẩm sinh: Cong lệch dương vật thường không ảnh hưởng tới các chức năng tự nhiên. Chỉ khi dương vật lệch trên 30 độ, gây ảnh hưởng đến việc đi tiểu, khó giao hợp thì mới cần mổ để sửa thẳng lại. Nhưng cũng không thể lý tưởng hoá, đòi hỏi phải làm cho dương vật thẳng hoàn toàn.
Bệnh lỗ tiểu thấp: Đây là một bệnh bẩm sinh mà dương vật bị cong quặp hẳn xuống dưới hoặc lỗ tiểu không ở đầu dương vật và hướng ra phía trước mà cũng có thể nằm ở mặt dưới thân hoặc đầu dương vật, có khi lại nằm ở vị trí sát gốc dương vật nên bệnh nhân phải tiểu ngồi như phụ nữ. Dương vật thường kém phát triển, có khi nhỏ xíu làm bà mụ nhìn lầm ra con gái. Bệnh này nên mổ sớm lúc còn bé. Phẫu thuật tương đối phức tạp vì vừa phải kéo thẳng, vừa phải dùng da cuốn lại thành ống tiểu có 2 đầu, một đầu đính vào phía đầu dương vật, một đầu nối vào lỗ tiểu phía sau, để sau này bệnh nhân đi tiểu đứng được.
Hẹp bao quy đầu: Phần da bao trùm bên ngoài dương vật đôi khi bao da bị thít chặt làm bé đi tiểu khó, bao da phồng căng lên. Nếu da hẹp ít, cha mẹ dùng tay tuột da xuống mỗi ngày vài lần, trong vài tuần là khỏi. Tuy nhiên nếu nong thử mà thấy bé đau thêm do da bị nứt thì nên đưa bé đi khám bác sĩ sớm, vì vết nứt sẽ thành sẹo, có thể làm bệnh nặng hơn. Thường thì bác sĩ chỉ cần dùng kẹp vô trùng nong nhẹ bao da ra là khỏi luôn. Nếu hẹp nặng thì phải cắt da hẹp tại các bệnh viện nhi hay ngoại khoa. Người lớn cũng có thể bị hẹp da quy đầu. Khi đó cần đi cắt da tại các bệnh viện ngoại khoa. Tuy vậy, nếu da quy đầu chỉ dài, vẫn tuột lên xuống dễ dàng thì không cần thiết phải làm tiểu phẫu.
Dương vật ngắn: Dương vật ngắn là dương vật khi cương cứng chỉ đạt được độ dài dưới 6 cm. Khi đó phẫu thuật làm dài dương vật là cần thiết. Phẫu thuật kéo dài dương vật ra cho tới nay không chỉ là mơ ước của nhiều người mà còn là ước mơ của các phẫu thuật viên. Phẫu thuật cắt dây treo có thể kéo dài dương vật thêm được 2-3cm nữa, nhưng dương vật khi cương thì thẳng xuống chứ không chỉa thẳng lên trên. Và vấn đề liệt dương sau mổ có thể xảy ra dù rất hiếm gặp. Do những biến chứng đáng ngại này, nên phẫu thuật chỉ được thực hiện cho những người có dương vật thật sự ngắn, dưới 4cm.
(Theo TS. Lưu Minh Quân/SK&ĐS)