Sáng 14/6, TP.HCM phát động tháng cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 trên toàn thành phố. Những đối tượng dễ tổn thương nhất trong đại dịch được ưu tiên tiêm vắc xin nhắc lại (mũi 4) trong đợt này. Đó là trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh mạn tính, người suy giảm miễn dịch, nhân viên y tế…

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), người dân xếp hàng dài tiêm vắc xin vào sáng nay. Nhân viên y tế phải điều tiết, hướng dẫn người dân đến khu vực tiêm phù hợp. Bệnh viện vừa tổ chức tiêm cho người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân nội trú và cả trẻ nhỏ.

Xếp hàng chờ tiêm vắc xin mũi nhắc lại sáng ngày 14/6.

Bên cạnh đó, mỗi trẻ nhỏ có một phụ huynh đi kèm nên gây ra hiện tượng dồn ứ cục bộ. Bệnh viện đã nhanh chóng bố trí thêm bàn tiêm để giãn lượng người tiêm ngừa. 

Chị N.T.L cho hay, vì con trai có cơ địa dư cân nên chị đưa đến bệnh viện tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn. "Khá lâu rồi tôi mới thấy cảnh phải xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 vì TP.HCM đã gần như không còn dịch. Có lẽ trẻ nhỏ mới được nghỉ hè, bố mẹ tranh thủ đưa con đi tiêm nên dồn lại", chị L. chia sẻ. 

Có mặt tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh sáng nay, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, số mắc mới Covid-19 mỗi ngày của thành phố hiện chỉ còn khoảng 30-50 trường hợp, số ca nằm viện giảm xuống còn khoảng 200 ca.

“Điều này cho thấy số ca mắc tuy đã giảm rất sâu nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra nếu mỗi người không duy trì V2K (tiêm vắc xin, khử khuẩn, mang khẩu trang). Đến thời điểm này, TP.HCM đã tiêm gần 21 triệu liều vắc xin Covid-19", bác sĩ Châu nói.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiệu quả bảo vệ cơ thể của các loại vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, nên việc tiêm nhắc lại là cần thiết.

“Nếu xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 hoặc nguy cơ bùng dịch, người dân đã tiêm vắc xin cũng yên tâm mình đã được bảo vệ. Bà con nào ốm đau, không đi đến bệnh viện được, chúng tôi sẽ đến tận nhà để tiêm ngừa”, ông nói.

Người tiêm ngừa, người khám ngoại trú dồn ứ cục bộ bên trong Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Người dân TP Thủ Đức điền tờ khai tiêm chủng.
Người dân khá khó khăn khi điền tờ khai tiêm chủng vì đông đúc.

Cũng trong sáng nay, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng y tế quận Bình Thạnh đến từng nhà người già, người thuộc nhóm nguy cơ không thể đi lại, để vận động và tiêm vắc xin. 

Trong tháng cao điểm tiêm ngừa vắc xin Covid-19, trẻ em từ 5 đến 17 tuổi được tiêm tại trường học và các điểm tiêm trong cộng đồng. Người suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, hen phế quản, ung thư… có thể tiêm tại cộng đồng hoặc bệnh viện. Người bệnh không thể đi lại, có thể liên hệ trạm y tế địa phương để được bố trí đội tiêm tại nhà.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các bệnh viện, Trung tâm Cấp cứu 115, cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn sẵn sàng cử nhân viên y tế tham gia các đội tiêm vắc xin của đợt cao điểm, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiêm chủng. TP.HCM cũng công khai danh sách hơn 100 điểm tiêm vắc xin trên Facebook của HCDC để người dân theo dõi và lựa chọn nơi phù hợp. 

Linh Giao

13 tỉnh, thành phố từ chối nhận vắc xin Covid-19 phải chịu trách nhiệm nếu dịch bùng phátHà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa là 3 địa phương từ chối nhận và xin điều chuyển vắc xin Pfizer cho nơi khác. 10 tỉnh, thành chưa tiếp nhận vắc xin được phân bổ…