- Không ai chứng minh được nguồn tin nhưng tin đồn đã làm cho một công trình mang đậm nét kiến trúc phương tây cổ điển trở nên hoang phế, điêu tàn.
Tin đồn về lâu đài "con ma nhà họ Hứa" ở Long Hải Những tin đồn về bóng trắng lượn trong tòa lâu đài, những tiếng hú, những bức ảnh ma...đã làm cho toàn lâu đài được xây dựng kỳ công ở một vị trí đắc địa đã trở nên hoang vắng. |
Gia tộc giàu có nhất Đông Dương
Theo tài liệu còn truyền lại, chú Hỏa chỉ có 3 người con trai và không có người con gái nào cả.
Không giống như các gia đình giàu có khác, các con của chú Hỏa chí thú làm ăn hỗ trợ đắc lực cho cha trong kinh doanh và trong các dịch vụ khác. Các con cháu của ông sau này tiếp tục cai quản gia sản cha ông và kinh doanh ngày một phát triển. Sau đó, những hậu duệ của chú Hỏa chuyển hướng ra nước ngoài và đến trước 30/4/1975 không còn con cháu nào của dòng họ này ở lại Việt Nam.
Có thể nói một gia tộc giàu có thuộc vào hàng giàu nhất Đông Dương nhưng đã để lại tiếng thơm cho hậu thế có lẽ chỉ có gia tộc của Hui Bon Hoa - chú Hỏa. Vậy mà, những tin đồn quanh gia tộc này chưa bao giờ dứt.
Mặc dù không có con gái nhưng tiếng đồn cô con gái chú Hỏa bị bệnh phong cùi lan rộng để sau đó, những ngôi tòa nhà to lớn trở nên trống vắng. Không một ai dám bén mảng cho dù câu chuyện đã trải qua hàng chục năm...
Căn nhà 97 Phó Đức Chính và biệt thự trên đồi chú Hỏa ở Long Hải vẫn được cho là những ngôi nhà ma.
Nhà 97 Phó Đức Chính nay là bảo tàng Mỹ thuật TPHCM |
Và những sự thật
Chúng tôi cũng đã tìm đến số 97 Phó Đức Chính bây giờ là bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để tìm hiểu những người làm việc ở đây. Kết quả là chưa ai từng nghe một xác nhận nào là đã gặp con ma nhà họ Hứa.
Tương tự, tại Vũng Tàu, ông nội của người xe ôm tên Hùng chia sẻ: "Cũng theo lời đồn, một số khách du lịch chụp được những tấm hình ma trong lâu đài. Nhưng mãi đến bây giờ cũng chưa thấy tấm hình ma nào trong lâu đài được công bố. Tôi cũng từng ngủ trong lâu đài này nhiều đêm nhưng chưa hề gặp một bóng ma nào".
Anh Phạm Hoài Nhân thăm lâu đài. (ảnh PhạmHoài Nhân) |
Nhưng tòa lâu đài nguy nga hoành tráng giờ chỉ còn là nơi để gió biển tràn vào. Không ai được vào vì các nẻo đường đã đóng kín. Một người bạn của tôi, anh Phạm Hoài Nhân đã có 2 lần vào được bên trong ghi lại được những đổ nát của một công trình ...
Anh nhân kể lại: "Tôi đã đến thăm tòa nhà này 2 lần vào tháng 7/2013 và tháng 4/2014. Lúc này, tòa lâu đài được công ty du lịch Long Hải quản lý. Có một vài bảo vệ túc trực tại đây.
Bước vào bên trong, vẫn còn những hàng cột theo kiểu kiến trúc La Mã sang trọng nhưng vách tường bị vỡ nhiều nơi được tô trét lại tạm thời bằng xi măng. Các tầng trên, những ô cửa sổ không còn khung nhìn ra biển Long Hải dạt dào sóng vỗ. Hồi tưởng, ngày xưa nơi đây hẳn là rất nên thơ, nhưng bây giờ thật cô quạnh.
Ở một chân cầu thang một vết sơn đỏ - không biết do vô tình hay cố ý - gợi lên cảm giác rùng rợn của một ngôi nhà ma. Bước lên sân thượng, một góc sân, được tô trát sơ sài, càng làm cho cảnh tượng thêm vẻ hoang phế. Điều đặc biệt là nội thất bên trong ngôi lâu đài này không còn lưu lại một thứ gì...".
Anh Nhân cho biết thêm: "Tôi tiếp xúc với các bảo vệ, các anh cho biết được phân công bảo vệ thì phải ngủ lại. Nội thất đã được công ty mang đi tập trung một nơi khác để bảo quản nên phải mắc võng mà ngủ. Ngày cũng như đêm, bao năm qua ngủ tại lâu đài này chưa bao giờ chúng tôi gặp một hiện tượng bất thường nào".
Đổ nát và hoang phế (ảnh Phạm Hoài Nhân) |
Tin đồn về lâu đài ma này có lẽ có từ năm 1965, khi người thuê lại kinh doanh thất bại rồi bỏ hoang từ đó. Tin đồn tiếp tục được củng cố thêm khi vào năm 1972 hãng phim Dạ Lý Hương về đây quay một số ngoại cảnh, nhất là căn phòng - được gán cho là nơi nhốt người con gái của chú Hỏa - cho bộ phim "con ma nhà họ Hứa".
Vết sơn đỏ, không biết do vô tình hay cố ý, gợi lên cảm giác rùng rợn của một ngôi nhà ma (ảnh Phạm Hoài Nhân). |
Một đồn mười, mười đồn trăm. Theo tin đồn, cô con gái của chú Hỏa bị bệnh phong củi lở loét khắp mình mẩy. Thời điểm này, bệnh cùi là bệnh nan y vì chưa có thuốc chữa nên chú Hỏa nhốt con mình trong một căn phòng tại ngôi nhà 97 Phó Đức Chính. Hàng ngày có gia nhân đến phục dịch.
Có lẽ bị căn bệnh hành hạ, đêm đêm có nhiều tiếng la hét từ căn nhà vọng ra...thế là hình thành con ma nhà họ Hứa. Chú Hỏa sợ tiếng đồn không tốt nên đã đưa con gái mình ra ở tại lâu đài Long Hải. Rồi sau đó cô này chết tại đây và được chôn cất gần đó.
Vách tường ở lối lên cầu thang còn trang trí bằng phù điêu rồng, phụng khá ấn tượng. (ảnh Phạm Hoài Nhân) |
Gần nửa thế kỷ bỏ hoang, tòa lâu đài giờ đây vẫn là một tòa nhà với những tin đồn kỳ bí. Không ai chứng minh được nguồn tin nhưng tin đồn đã làm cho một công trình mang đậm nét kiến trúc phương tây cổ điển đi vào hoang phế.
Bên cạnh gia sản 30.000 căn nhà trong đó có những công trình bất động sản to lớn như đã trình bày hiện còn tồn tại đến ngày nay, chú Hỏa và con cháu sau này còn chú tâm vào công tác phước thiện. Những công trình như Phước Thiện Y Viện xây dựng năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện (1937 - nay là bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bảo sanh viện Đông Dương (1937 - nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949), Thành Chí học hiệu, nay là (Trường THCS Minh Đức) … nhằm giúp ích cho cộng đồng. Ngoài ra, những người nghèo vô gia cư lang thang cơ nhỡ được nuôi ăn trong thời gian khá dài ... |
Trần Chánh Nghĩa