Lời tòa soạn: Nhiều phận đời, vì những bi kịch riêng, đã gần như bị đẩy ra ngoài
lề đời. Họ chọn nghề ăn xin, đi rong như một phương cách cuối cùng, để kiếm
sống. VietNamNet xin đăng tải loạt bài "Những phận đời ăn xin" nhằm đem lại cho
độc giả một góc nhìn khác về những số phận này.
Một vai hai gánh
Sau một ngày lang thang khắp phố phường, chị Tỉnh (Quảng Xương, Thanh Hóa) quay
trở về ngôi nhà trọ nằm hun hút trong phố Nguyễn Phúc Lai. Ngôi nhà trọ này tập
trung khoảng hai chục người cùng cảnh mưu sinh như chị.
Chị Tỉnh mới đến đây khoảng 1 năm nay, mà ngỡ đã từ lâu lắm.
Một năm trời gắn với nghề bán dạo, chị đã quen với cái cổ đau nhức ê ẩm hằng đêm, với đôi bàn chân tê dại vì đi bộ quá nhiều. Người phụ nữ thật thà, chất phác có gương mặt phúc hậu, dễ bật cười vì các câu chuyện câu trò của chị em trong phòng. Lúc kể chuyện của mình, chị Tỉnh cũng hay cười, có khi còn cười nắc cười nẻ, mà rồi mắt lại nhòe ướt. Ai ở đây cũng biết chị một vai hai gánh, nuôi hai con, một sinh viên đại học và một nằm viện.
Ba người mẹ cùng cảnh ngộ (từ phải sang: Cô Mãi, chị Tỉnh, bà Được). |
“Trước, tôi vào Sài Gòn làm nghề rửa bát thuê cho người ta. 10 năm trời đi làm thuê chỉ được dăm ba lần về nhà. Người ta ác lắm, trả cho mỗi ngày 100 nghìn đồng. Cuối ngày là trả tiền, nghỉ ngày nào, trừ với phạt ngày ấy. Tết cũng không cho về quê, nếu về là bị trừ lương rất nặng, phạt rất nặng.
Năm ngoái, con cháu bị ốm nặng, tôi phải vịn vào lý do ấy mới về được” – chị Tỉnh thật thà nói.
Con trai út của chị đang học ở trong Sài Gòn. Còn cô con gái thứ 2 mắc chứng ban lupus, phải ra Hà Nội điều trị. Dai dẳng thuốc thang mãi mà cháu không đỡ, lại còn trở nặng hơn. Giờ sống liền với viện, định kỳ phải đi truyền máu ở Viện Huyết học truyền máu TƯ.
“Nuôi ba người khỏe, không bằng một người bệnh. Chúng tôi đã cực, nhà chị này còn cực gấp nhiều lần!” – Bà Phương, một người trọ cùng chị Tỉnh nhận xét.
“Chiều 5,6 h là về, nắm nắm cơm rồi sấp ngửa đi lên viện. Chẳng biết mẹ con có nắm cơm thì ăn uống với nhau thế nào? Rồi 3h sáng đã lại lọ mọ về, lấy hàng để sáng hôm sau đi sớm” – bà nói hộ người mẹ lúc này đang lặng thinh.
Vất vả là thế, nhưng chị Tỉnh ít khi kêu ca. Với chị, cái nghề này tuy vất vả, nhọc nhằn và có phần tủi cực nhưng vẫn đỡ hơn cảnh làm thuê gò bó, mất tự do và thường xuyên bị chửi mắng trước kia.
“Đói ai cũng đói. Khổ ai cũng khổ. Đã vào đây, chẳng ai là được sướng. Làm tất cả, làm gì cũng được, chỉ mong cho cháu bé sớm ra trường, cháu lớn đỡ bệnh tật là tôi mừng” – người mẹ vẫn cười giòn chia sẻ.
Đi xin lấy tiền cho con gái… chữa hiếm muộn
Cùng cảnh con đau ốm nhưng gánh nặng dồn lên vai vợ chồng bà Bùi Thị Được (Quảng Xương, Thanh Hóa) có phần nặng nề hơn: Con bị bệnh máu, một đàn cháu nhỏ 4 người nheo nhóc đẩy ông bà phải theo người làng ra Hà Nội mưu sinh.
Dáng đi còng còng, nước da đồi mồi đen xạm, bà Được trông già hơn cái tuổi 67 rất nhiều. Bà vừa đi bán dạo, vừa đi xin, còn chồng bà – 75 tuổi, sức khỏe yếu hơn nên phải đi bán vé số. Được đồng nào, ông bà tích cóp gửi cho con trai chữa bệnh, nuôi các cháu. Từ ngày con trai bà bệnh trở nặng phải ra điều trị ở BV Bạch Mai, ông bà càng vất vả. Tiền kiếm được bao nhiêu cũng không đủ.
Một cụ ông vừa đi bán dạo, vừa ăn xin tại Cầu Giấy - HN. |
“Chúng tôi chỉ được một mụn con, không lo cho nó thì ai lo? Thôi thì còn đi được ngày nào, cố đi ngày ấy” – bà tâm sự.
Nghe hết chuyện từ đầu đến cuối, cô Mãi, một người đàn bà nhỏ nhắn, gầy gò ngoài 50 mới lên tiếng: “Đúng là không ai thương con bằng mẹ…”.
Vẫn là tấm lòng người mẹ lo lắng cho con, nhưng cô Phạm Thị Mãi có phần ngượng ngùng khi nói về mình.
“Tôi chỉ có duy nhất một cô con gái, lấy chồng 13 năm nay rồi vẫn chẳng đẻ được con. Mà nhà chồng nó cùng nghèo, hai vợ chồng nó cũng nghèo. Đã vậy lại còn tốn kém biết bao nhiêu để đi chữa chạy…” – cô thở dài nói.
Thương con gái, cô không đành nhìn bao nhiêu tài sản của con cứ đổ thành tiền trăm, tiền chục triệu cho những chuyến chạy chữa khắp nơi, nên dối chồng, giấu con, cô đi làm nghề này. Trong khi ở nhà chồng con cô vẫn đinh ninh cô ra Hà Nội làm người giúp việc thì cô vẫn sớm tối đi rong.
Chuyện của những người mẹ, mỗi người một nỗi niềm riêng, nghe ra sao ai cũng oái oăm, chua xót...
Minh Tâm
(còn tiếp)