Ở thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn các địa chỉ mua giò, chả, bánh chưng, bánh tét vô cùng nhiều, nhưng mua ở đâu cho ngon thì phải biết chỗ mới được.
HÀ NỘI
Giò, chả, bánh chưng ở Hà Nội thì quá đỗi đa dạng, phong phú nhưng để tìm được nơi bán ngon, nhất định phải biết chỗ chứ không thể mua bừa. Người Hà Nội thường ưu tiên những địa chỉ giò, chả, bánh chưng lâu năm, đã được nhiều lớp thế hệ kiểm chứng qua thời gian.
Giò chả Quốc Hương
Cửa hàng Quốc Hương vốn được tiếng là nơi bán giò, chả, bánh chưng ngon tại Hà Nội. Không khó để nhận ra hàng giò này trên phố Hàng Bông bởi những ngày sát Tết, ngay từ tờ mờ sáng đi qua đây luôn có rất nhiều người xếp hàng để đợi đến lượt mua hàng.
Cửa hàng này có đủ loại giò chả như giò lụa, giò bò, giò tai, giò gà, đồng giá là 200.000 đồng/kg. Giò xào, chả lợn, chả quế có giá từ 180.000 đồng/kg, bánh chưng giá 50.000 - 80.000 đồng/ chiếc tùy kích cỡ. Ngoài ra ở đây còn có đặc sản thịt bò khô ngon nổi tiếng với giá 800.000 đồng/kg.
Bí quyết làm miếng giò ở đây thơm, ngọt, dai mà vẫn mềm là phải lấy thịt từ lúc xả lợn, còn nóng hôi hổi, sau đó quạt nguội, cho vào giã kỹ bằng tay. Nước mắm cho vào giò, chả cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng. Một điểm cần lưu ý khi đặt giò chả ở đây là dịp sát Tết, cửa hàng không nhận đặt trước mà chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng.
Giò chả Phúc Lộc
Dù tuổi nghề chưa lâu nhưng đây là một địa chỉ đặt giò chả được nhiều người tin tưởng ở Hà Nội, nhất là vào dịp Tết. Ngoài các loại giò truyền thống thơm ngon, món chả ở đây cũng được đánh giá cao bởi độ ngọt, dai và thơm mùi quế, ăn không ngán. Ngoài giò, chả, cửa hàng này cũng bán thêm cả bánh chưng, bánh dày.
Giá giò Tết của Phúc Lộc dao động trong khoảng 150.000 -250.000 đồng/kg. Cụ thể giá chả là 150.000 đồng/kg; giò lụa 200.000 đồng/kg; giò bò 250.000 đồng/kg. Điểm cộng của hàng giò, chả này là có nhiều chi nhánh nên rất tiện để các chị em sắm sửa. Một số cửa hàng chính của Phúc Lộc nằm trên phố Trần Khắc Chân, Kim Ngưu, Bạch Mai, Nguyễn Cao...
Giò chả bà Lũy
Không quảng cáo rầm rộ nhưng nếu cần mua giò, chả ngon, nhiều người sành ăn vẫn "mách" nhau tới hàng giò chả Bà Lũy trên phố Trần Xuân Soạn (đoạn đối diện với phố Phù Đồng Thiên Vương) bởi cửa hàng này đã có hàng chục năm uy tín và chất lượng. Món chủ đạo của hàng này là giò và chả quế, bánh giò. Tuy nhiên trong dịp Tết, các mặt hàng cũng phong phú hơn với đủ loại bánh chưng, dưa hành muối sẵn cho những người bận rộn không có thời gian chuẩn bị. Giá giò Tết ở đây có giá từ 200.000 đồng trở lên.
Giò Trần Công Châu
Với uy tín hàng chục năm trong nghề giò, chả, cửa hàng Trần Công Châu trên đường Trần Xuân Soạn được nhiều chọn mặt gửi vàng khi cần mua giò chả ngày thường cũng như trong dịp lễ Tết. Giò chả ở đây mang hương vị giò chả làng Ước Lể nổi tiếng nên chất lượng đã được khẳng định theo thời gian với cách chế biến chu đáo, đảm bả chất lượng.
Tuy có tiếng nhưng giá giò, chả của cửa hàng này khá dễ chấp nhận, giò nạc khoảng 200 ngàn, giò bò lên tới 400 ngàn. Ngoài ra món nem chua ở đây cũng rất nổi tiếng nên bạn cũng nên tranh thủ mua vài hộp về cất tủ lạnh để đổi món nem chua rán cho cả nhà ngày Tết.
Chợ Hôm và chợ Hàng Bè
Ngoài ra 2 khu chợ Hôm và chợ Hàng Bè với đặc trưng là chuyên bán đồ nấu cỗ, cúng lễ cũng rất sẵn giò, chả, bánh chưng bởi thế đây cũng là địa chỉ bạn có thể tham khảo nếu cần mua bánh chưng. Giò, chả, bánh chưng ở đây tương đối đều tay về chất lượng cũng như gia cả. Bên cạnh giò, chả ở 2 khu chợ này còn bán sẵn gà luộc, xôi gấc cho mâm cỗ cuối năm.
Một số địa chỉ giò chả, bánh chưng khác có thể tham khảo như giò chả Ước Lễ ở 28 Tô Tịch; giò chả Dũng Hạnh phố Lê Đại Hành; giò chả Minh Hương ở 24 Ấu Triệu; bánh chưng chị Liên, dốc hàng Than (gần dốc Hòe Nhai), bánh chưng ở hàng thịt quay Vạn Thành (Hàng Buồm). Đoạn phố Nguyễn Thiện Thuật (gần chợ Đồng Xuân) cũng rất nhiều hàng giò, chả, bánh chưng.
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ai sống ở Sài Gòn lâu, cũng đều có sẵn một mặc định trong đầu: muốn ăn giò chả, bánh chưng, bánh tét ngon thì cứ ra khu nào có nhiều người Bắc sinh sống mà tìm mua. Không bàn tới khẩu vị khác nhau của từng người hay vùng miền, nhưng rõ ràng ai cũng phải công nhận một điều rằng giò, chả Bắc có vị đặc trưng riêng và ngon hơn hẳn.
Và vì thế khu vực Trường Chinh quận Tân Bình, khu vực Võ Thị Sáu quận 3, hệ thống bánh mì giò chả Hà Nội... là những địa chỉ đầu tiên người ta có thể nghĩ tới. Ngoài ra những địa chỉ giò chả dưới đây cũng rất đắt khách.
Giò chả Minh Châu
Muốn tìm vị xưa của bánh mì chả Hà Nội ở Sài Gòn, người sành ăn thường tìm đến cửa hàng giò chả Minh Châu trên đường Lý Tự Trọng. Chủ tiệm Minh Châu mang theo nghề làm giò chả từ làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vào Sài Gòn từ năm 1983.
Ở đây có hầu hết các loại giò chả từ giò lụa, giò bò, giò tai, giò thủ, đến chả chiên, chả bò thì là, chả heo, chả quế. So với các cửa hàng khác thì giò chả Minh Châu hơi đắt, nhưng miếng giò thực sự đáng đồng tiền bát gạo bởi người làm giò vẫn giữ cách làm truyền thống của làng Ước Lễ, mẻ giò vừa giòn vừa dai mà không cần đến phụ gia hàn the.
Giò chả bánh mì Như Lan
Người Sài Gòn không ai là không biết thương hiệu nổi tiếng có từ rất lâu đời này. Khi cần mua chả ngon, bánh mì ngon, người ta sẽ nghĩ ngay đến Như Lan, đôi khi chỉ như một thói quen và một niềm tin là sẽ được thưởng thức những miếng chả ngon đậm vị. Như Lan còn bán nhiều mặt hàng thực phẩm khác nên khi ghé đây, người ta đỡ phải mất công đi nhiều nơi để mua những món mình cần.
Giò chả Phú Hương
Đây cũng là một cửa hàng giò chả lâu đời ở Sài Gòn, đến độ nhắc đến Phú Hương, người ta vẫn nhớ đến ngôi nhà cũ kĩ trên đường Võ Thị Sáu bây giờ đã bị chia năm xẻ bảy nhưng vẫn giữ nguyên cái bảng hiệu Giò chả Phú Hương chính gốc. Với người Sài Gòn cũ, giò chả Phú Hương khó có nơi nào bì kịp. Bánh chưng, bánh dày, nem thẻ... cũng rất ngon, là món ăn ngày Tết của người sành điệu món Bắc, và luôn được dùng làm quà tặng vào dịp lễ lạc.
Bánh chưng
Ở khu vực quận 3 bạn có thể đến các cửa hàng Ngọc Hương, Bích Ngọc trên đường Võ Thị Sáu, hoặc các cửa hàng chuyên bán đặc sản Hà Nội trên đường Trần Quốc Toản để đặt bánh chưng. Bánh ở đây được làm từ nếp cái hoa vàng vừa mềm vừa dẻo, nhân vừa vặn không ít, không nhiều nên khó lòng bị ngấy. Ăn rồi vẫn muốn cắt tiếp cái thứ 2.
Khu vực quận Tân Bình có bánh chưng gốc Bắc Nam Vang trên đường Trường Chinh, cũng là một địa chỉ được nhiều người "chọn mặt gửi vàng". Bánh ở đây chia làm 2 loại: loại thường giá 180.000 một cặp. Và loại đặc biệt giá 210.000 một cặp.
Cửa hàng đặc sản Sài Gòn tiếp thị
Nếu muốn dùng thử một loại bánh chưng "không giống bình thường", bạn có thể đến đây để mua bánh chưng đen, được nhập từ Lào Cai về. Điểm khác biệt của loại bánh chưng này là loại gạo nếp dùng để gói bánh được ngâm trong nước tro cay (từ các loại nguyên liệu, lá truyền thống của người địa phương), cho hương vị độc đáo. Giá bán bánh chưng đen ở mức 75.000 đồng/cái (trọng lượng 500 gram).
Cửa hàng Lê Gia Tiến Thịnh
Thêm một lựa chọn khác dành cho bạn thích ăn bánh chưng "không giống bình thường": Bánh chưng cốm. Không làm từ gạo nếp như bánh thông thường mà từ cốm làng Vòng và mứt sen làm nhân (bánh chay) và nhân đậu, thịt (bánh mặn). Giá bán dự kiến sẽ ở mức 140.000 -160.000 đồng/1kg. Loại bánh chưng gấc thì có nhân đậu ngọt cùng vỏ bánh làm từ gạo nếp trộn gấc, có màu đỏ đẹp mắt và được bán với giá khoảng 120.000 đồng/1kg.
Bánh Tét
Bánh Tét tại Sài Gòn dễ mua, không cầu kỳ, không kén chỗ. Bạn có thể đặt bánhTét tại các chợ, chợ nào cũng có, hàng nào cũng ngon, vì bánh này không kén gạo, không kén nhân. Tiêu biểu có thể kể đến các cửa hàng trong chợ bà Hoa - đường Trần Mai Ninh - quận Tân Bình với giá bánh tét là 50.000 đồng cho một đòn loại 1,2 kg.
(Theo Trí thức trẻ)