8 tỉnh có ca nhiễm Covid-19
Long An là tỉnh đầu tiên ở miền Tây có ca nhiễm Covid-19. Cụ thể, nam bệnh nhân 6325, quê ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, làm nghề đầu bếp tại khách sạn Sheraton (88, Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM).
Người này có ăn chung bàn với một ca F0 (cũng là đầu bếp khách sạn Sheraton, có liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng)…
Từ khi ca nhiễm đầu tiên, đến nay Long An đã có 26 ca nhiễm. Trong đó, có 18 ca dương tính nCoV trong cùng 1 xóm tại khu vực D8, ấp Phước Lý, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc.
Ngành chức năng phong tỏa 52 hộ với 181 nhân khẩu tại đường 30/4 thuộc khóm 5, khóm 6 của thị trấn Cầu Kè - sau khi nơi này có ca nhiễm Covid-19 |
Bạc Liêu, tỉnh thứ hai có ca nhiễm Covid-19 ở miền Tây trong đợt dịch lần này. Cô gái 22 tuổi, quê huyện Hòa Bình, có tiếp xúc với một bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM.
Cô gái này đi xe khách từ TP.HCM về Bạc Liêu, và đi làm căn cước công dân. Có 10 công an làm căn cước công dân là F1 của ca nhiễm này.
Trà Vinh, đến nay có 3 ca nhiễm trong cộng đồng. Ca nhiễm đầu tiên là nam sinh quê ở huyện Cầu Kè, đang theo học tại một trường đại học ở TP.HCM. Nam sinh này có tiếp xúc gần với ca nhiễm liên quan chùm ca nhóm truyền giáo Phục Hưng. Bé trai 12 tuổi là em trai của nam sinh nói trên cũng nhiễm Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định cách ly 52 hộ với 181 nhân khẩu tại đường 30/4 thuộc khóm 5, khóm 6 của thị trấn Cầu Kè - khu vực nhà của nam sinh nói trên.
Tiền Giang hiện là tỉnh có nhiều ca nhiễm nhất. Ca đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện hôm 5/6, đó là thanh niên 20 tuổi, nhân viên bán chè tại phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Thanh niên này, về nhà ở xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy. Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính SARS-CoV-2. Đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang có 9 ổ dịch, với tổng 60 bệnh nhân, gồm: văn phòng điều hành công trình Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè); tại Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy; tại phường 9, TP Mỹ Tho…
Ngoài ra, Tiền Giang cũng có bệnh nhân Covid-19 tử vong. Cụ thể là người phụ nữ 61 tuổi, ở phường 9, TP Mỹ Tho.
Còn ở Đồng Tháp, địa phương vừa có ca dương tính nCoV. Trường hợp này được phát hiện khi đang điều trị tại Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định phong tỏa 7 ngày đối với bệnh viện này, 14 ngày đối với Khoa Nội (nơi có ca nghi nhiễm), bắt đầu từ 21h ngày 24/6.
Đến sáng 25/6, ngành chức năng phát hiện thêm 10 ca dương tính với nCoV, liên quan ca nhiễm tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc.
Ngoài ra, các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang cũng đều xuất hiện các ca bệnh.
Bệnh viện đa khoa Sa Đéc bị phong tỏa khi có ca nhiễm nCoV |
Không khai báo y tế, bị khởi tố
Theo tìm hiểu, có nhiều trường hợp từ TP.HCM về địa phương nhưng không khai báo y tế, đến lúc cơ chức năng phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm thì cho kết quả dương tính.
Đơn cử, người phụ nữ tên H.M.Tr (38 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP.HCM), về nhà chồng tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang nhưng không tự giác khai báo y tế, không chấp hành cách ly phòng chống dịch, không hợp tác với cán bộ y tế trong lấy mẫu xét nghiệm, trong khi TP.HCM công bố dịch, phong tỏa và áp dụng chỉ thị 16 đối với toàn bộ quận Gò Vấp.
Sau đó, trên địa bàn xã Mỹ Hạnh Đông đã có hơn 20 ca, đều xuất phát và liên quan tới bà Tr.
Toàn bị xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy bị phong tỏa chỉ vì 1 người phụ nữ trốn khai báo y tế |
Vụ lây lan dịch bệnh liên quan đến bà Tr. nghiêm trọng đến mức, Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Trần Văn Thức phải ký quyết định phong tỏa toàn bộ xã Mỹ Hạnh Đông từ 12h ngày 13/6, đối với tổng số 2.327 hộ dân và 8.593 nhân khẩu.
Công an thị xã Cai Lậy khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” và tiếp tục củng cố hồ sơ khởi tố bị can đề nghị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Áp dụng biện pháp mạnh
Để phòng, chống dịch, chính quyền các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có những biện pháp mạnh như Chỉ thị 15, 16…
Sau khi phát hiện các ca nhiễm, Tiền Giang áp dụng Chỉ thị 15 trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè.
Còn tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phong tỏa 45 hộ, 130 nhân khẩu, liên quan đến cô gái 22 tuổi dương tính nCoV. Đồng thời, chính quyền địa phương quyết định lập 70 chốt phòng, chống Covid-19 và áp dụng cách ly 21 ngày đối với người về từ vùng dịch ở TP.HCM.
Các tỉnh, thành như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang… đã lập chốt kiểm soát người và phương tiện đi vào địa phương để phòng, chống dịch.
Ngoài ra, cũng quyết định dừng phương tiện vận tải hành khách đến các tỉnh có dịch.
Tại TP Cần Thơ, Chủ tịch Trần Việt Trường chỉ đạo tạm dừng các sự kiện văn hóa, thể dục thể thao có tập trung đông người; tạm đình chỉ các hoạt động quán ăn có phục vụ bia, rượu tại chỗ…
Đối với Kiên Giang, tỉnh có ca nhiễm trong cộng đồng, ngành chức năng đã rất quyết liệt, khẩn trương truy vết các F1, F2…
Trong đó, TP Rạch Giá đã phong tỏa 2 địa điểm gồm khu phố 2, phường Vĩnh Thông và hẻm 673 đường Lộ Liên Hương, sau khi có 4 trường hợp nhiễm bệnh.
Theo báo cáo, 2 trường hợp về từ Malaysia, được đưa vào cách ly tập trung tại tỉnh Tiền Giang 21 ngày, tất cả đều đã 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, về theo dõi tại nhà 7 ngày và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Chiều 21/6, khi CDC Kiên Giang xét nghiệm lần cuối trước khi kết thúc toàn bộ quá trình cách ly thì phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sau đó, tỉnh ghi nhận thêm 2 ca dương tính là mẹ và em ruột của 2 bệnh nhân nói trên.
TP Rạch Giá tạm dừng hoạt động các quán ăn trên địa bàn 5 ngày, kể từ 12h trưa 24/6. Tạm dừng việc cấp căn cước công dân cho đến khi có thông báo mới...
Thiện Chí
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Khởi tố vụ án làm lây lan dịch Covid-19 ở thị xã Cai Lậy
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) quyết định khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.