Dịch vụ nấu cỗ chay hút khách mùa Vu Lan
Vào lễ Vu Lan, nhiều người dân lựa chọn cơm chay làm lễ dâng cúng tổ tiên. Thay vì tất bật đi chợ mua đồ, nấu nướng, để tiết kiệm thời gian, nhiều gia đình đã chọn dịch vụ nấu cỗ chay.
Theo khảo sát của PV Gia đình & Xã hội, năm nay, nhu cầu mua thực phẩm chay và đặt cỗ chay tăng cao hơn. Giá mỗi mâm cỗ chay từ 500.000 đến 2 triệu đồng.
Mua bán vàng mã ảm đạm
Những năm trước, gần đến Rằm tháng 7, khu phố Hàng Mã trở nên náo nhiệt và sôi động, người dân ở khắp Hà Nội đổ xô về đây để mua sắm đồ vàng mã cúng lễ với đa dạng mẫu mã, chủng loại.
Năm nay, theo Người Đưa Tin, mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng 7 nhưng hoạt động mua bán tại đây vẫn khá thưa vắng, ảm đạm. Không chỉ bán những bộ quần áo, giày dép, túi xách và những căn nhà tầng bằng giấy đơn điệu, năm nay, phố Hàng Mã còn bán cả biệt thự có kèm bể bơi, siêu xe và chó cảnh canh nhà với giá từ 200-350 nghìn đồng tuỳ mẫu.
Ế chỗ, vé máy bay nội địa dịp 2/9 giảm giá đến 40%
Chỉ còn 5 ngày nữa đến kỳ nghỉ lễ 2/9 nhưng số lượng ghế trống còn hơn 30%. Theo VTC News, nhiều hãng bay giảm giá sốc. Nếu so với giá vé đặt vé từ đầu tháng 8 cho nhiều chặng bay kỳ nghỉ lễ, giá vé trực tuyến sáng 27/8 rẻ hơn từ 1,2-3,5 triệu đồng/vé, tương đương từ 30-40% giá vé của tất cả hãng hàng không.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, năm nay, lượt khách đặt vé di chuyển bằng đường hàng không dịp 2/9 rất thấp.
Giá sầu riêng cao ngất ngưởng, nhiễu loạn giá chốt vườn
Tại Khánh Hòa, giá sầu riêng liên tục tăng, từ 50.000-60.000 đồng/kg, hiện lên đến 80.000-90.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Giá sầu riêng tăng cao là điều đáng mừng đối với nông dân, nhưng theo VTV, việc giá bị đẩy lên cao bất thường, thậm chí gây ra nhiễu loạn thực sự rất đáng lo ngại.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, việc tranh mua để xuất khẩu sang Trung Quốc khiến giá sầu riêng tăng cao nhưng rủi ro là doanh nghiệp khó kiểm soát chất lượng.
Nhãn đường phèn giá cao vẫn đắt hàng
Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch nhãn ở các địa phương. Các loại nhãn đang bày bán la liệt khắp các chợ với giá rẻ chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg. Song, dân sành ăn lại chạy xe vài chục km về tận vùng trồng để săn mua nhãn đường phèn với giá đắt đỏ.
Trên thị trường, nhiều người đang rao bán nhãn đường phèn Hưng Yên với giá từ 40.000-80.000 đồng/kg, tuỳ loại. Thậm chí, có năm, giá nhãn đường phèn lên tới 120.000-130.000 đồng/kg. (Xem thêm)
Loại ớt giá 450.000 đồng/kg, cứ vào mùa là “hot”
Ớt trung đoàn là một loại ớt đặc sản ở Mường Tè (Lai Châu). Ớt này cay thơm đặc trưng khiến ai ăn một lần là nhớ mãi.
Năm nay, theo Nông Thôn Việt, thời tiết không thuận, ớt trung đoàn mất mùa nên số lượng có rất ít. Ớt trung đoàn đang được rao bán giá lên đến 450.000 đồng/kg.
Lật tẩy chiêu đẩy giá lúa, gạo của thương lái
Giá lúa gạo trong nước tăng vọt, vượt xa giá xuất khẩu khiến các doanh nghiệp lâm vào thế khó, phải ngưng thu mua lẫn xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cảnh báo trên Pháp Luật TP.HCM, giá gạo trong nước đang có tình trạng thương lái, trung gian tung chiêu đơn hàng ảo, thông tin hỏa mù để đẩy giá buôn qua, bán lại trong nước nhằm kiếm lời.
Cơm, phở tăng giá theo gạo
Giá gạo trong nước và xuất khẩu từ cuối tháng 7 đến nay “leo” lên mức cao nhất trong lịch sử kéo theo hàng loạt các sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở, bánh cuốn, bánh phở đều tăng giá. Một số quán ăn tại Hà Nội và TP.HCM đã tiến hành tăng giá suất ăn từ 2-5 nghìn đồng/suất.
Giá gạo tăng cao khiến các xưởng sản xuất, kinh doanh bún, phở cũng “chật vật”, sản xuất cầm chừng để giữ khách.
Bánh trung thu yến sào, vi cá giá vài chục triệu đồng
Nhằm phục vụ Tết Trung thu, hàng trăm thương hiệu bánh trung thu đổ bộ thị trường với đủ loại từ bình dân đến hàng cao cấp.
Trên thị trường còn xuất hiện dòng sản phẩm bánh trung thu hạng sang, phiên bản giới hạn với các loại nhân bánh độc lạ như: yến sào, vi cá, bào ngư, tôm hùm, sò điệp, đông trùng hạ thảo... Giá bánh trung thu cao cấp phổ biến ở mức 1-4 triệu đồng/hộp, thậm chí một số thương hiệu còn tung ra dòng bánh Vvip giá từ 6,8-13 triệu đồng/hộp. (Xem thêm)
Giá thép giảm lần thứ 18 liên tiếp
Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-810.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm thép xây dựng. Từ đầu năm đến nay, giá thép giảm 18 lần liên tiếp.
Hiện giá thép quanh mức 13-14 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. (Xem thêm)
Khách hàng vắng bóng, cửa hàng bán xe cũ lo dẹp tiệm
Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM tại khu chợ mua bán xe máy cũ trên phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, con phố trở nên vắng vẻ, thưa thớt người qua lại so với thời gian trước đây.
Những chủ cửa hàng ở đây cho hay, càng ngày người tới mua xe máy cũ càng ít, bởi với các thay đổi trong quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, khách hàng có tâm lý e ngại mua xe cũ, thay vào đó họ lựa chọn mua xe mới để né những phiền phức. Nhiều chủ cửa hàng buôn bán xe cho biết nguy cơ đóng cửa vì không có khách.