Gây tê vùng mặt, lưng, mông và co giật
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo chi tiết về trường hợp chị P.U (24 tuổi) tử vong sau khi làm đẹp tại cơ sở DiepClinic, quận Tân Phú (TP.HCM).
Theo đó, DiepClinic là hộ kinh doanh, ngành nghề dịch vụ chăm sóc da do bà Diệp Yến Linh làm chủ. Theo giải trình của chủ cơ sở, chị P.U là khách cũ, điều trị mụn và thâm da từ ngày 16/11, đã điều trị được 3 lần. 13h40 ngày 7/12, chị U. tiếp tục đến theo liệu trình cũ, được thoa kem và gây tê vùng mặt, lưng, mông để thực hiện laser.
30 phút sau khi thoa kem, bệnh nhân bị co giật. Cơ sở tiến hành cấp cứu, chuyển chị U. đến Bệnh viện Nhân dân 115 nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Bệnh viện Nhân dân 115 đã nỗ lực cứu chữa bệnh nhân. |
Thanh tra Sở Y tế, phòng Y tế quận Tân Phú và công an quận Tân Phú tiến hành kiểm tra cơ sở sau khi tiếp nhận vụ việc. Đoàn kiểm tra xác nhận, bà Diệp Yến Linh có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ngoại khoa (do Sở Y tế Bình Thuận cấp), Chứng chỉ đào tạo liên tục do Bệnh viện Da liễu TP.HCM cấp, Chứng chỉ đào tạo do Đại học Y dược TP.HCM cấp hoàn thành khóa học định hướng chuyên khoa Da liễu.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở có các máy laser, thuốc, lọ kem gây tê, mỹ phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Mặc dù thực hiện kỹ thuật laser nhưng cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động. Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu Diepclinic ngưng ngay các kỹ thuật xâm lấn liên quan đến y tế.
Thoa tê có thể tử vong?
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh, Quản lý và Điều hành Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, thuốc tê được sử dụng rất phổ biến trong y khoa, đặc biệt là lĩnh vực thẩm mỹ da, thẩm mỹ nội khoa.
Một số can thiệp như xăm, xóa xăm, tạo lỗ khuyên tai, giảm đau khi laser, sẹo lồi… có thể dùng thuốc tê dạng thoa để giảm đau. Tại các cơ sở y tế, thuốc tê dạng thoa đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nồng độ chỉ từ 5 đến 10%.
Nồng độ thuốc tê dạng thoa cao hơn thuốc tê dạng tiêm gấp nhiều lần. Thuốc được hấp thụ qua da và cần một khoảng thời gian để có tác dụng.
Theo bác sĩ Thịnh, thuốc tê ngoài da rất hiếm gây ra tình trạng sốc hoặc ngộ độc dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo y văn thế giới, cũng có báo cáo ghi nhận có trường hợp tử vong sau khi thoa thuốc tê.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh cho biết, hiện nay trên mạng rao bán những loại thuốc tê hàng xách tay có nồng độ rất cao 75%.
“Nếu bôi tê diện quá rộng, với loại thuốc nồng độ cao như vậy, không loại trừ cũng có thể xảy ra ngộ độc. Trong trường hợp bệnh nhân có bệnh nền tim mạch, nguy cơ này sẽ cao hơn”, ông phân tích.
Theo các bác sĩ, sốc hay ngộ độc thuốc tê thường xảy ra khi tiêm. Do đó, người bệnh/khách hàng phải được thử tê bằng cách tiêm thử một liều cực ít. Nếu có dấu hiệu sốc như sưng tấy, đỏ, ngứa thì xử trí ngay theo quy trình.
Theo các bác sĩ, thuốc tê dùng ngoài da rất an toàn, hiếm khi gây sốc hoặc ngộ độc. Ảnh minh họa |
Ngộ độc có thể xảy ra khi tiêm sai kỹ thuật hoặc sử dụng quá liều lượng, người tiêm không được đào tạo và cấp phép.
“Khi sử dụng thuốc tê phải rất cẩn trọng. Bắt buộc phải theo dõi sau khi bệnh nhân được gây tê dù là bôi hay tiêm”, bác sĩ Thịnh khẳng định.
Có bất thường về chứng chỉ hành nghề của chủ DiepClinic?
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xác định DiepClinic thực hiện kỹ thuật chiếu laser nhưng chưa có giấy phép hoạt động. Chủ cơ sở này, bác sĩ Diệp Yến Linh có chứng chỉ hành nghề Khám chữa bệnh ngoại khoa do Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, theo hồ sơ, bà Diệp Yến Linh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Sau đó, thực hành 18 tháng tại Khoa Ngoại của Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) từ ngày 15/11/2017 đến 15/5/2019, có xác nhận của phụ trách đơn vị.
“Vì vậy, hồ sơ của bác sĩ Linh đủ để cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ngoại khoa”, vị lãnh đạo này cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, bác sĩ Linh theo học “Lớp ứng dụng laser và ánh sáng trong da liễu khóa 1/2018” tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với lịch thực tập kéo dài đến 12 tuần (từ ngày 6/3 đến 25/5/2018). Đồng thời, bác sĩ Linh cũng thực tập “Lớp kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc da khóa 1/2018”.
Một trong những lịch thực tập tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. |
Đáng chú ý, thời gian thực hành tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM của bác sĩ này trùng với thời gian thực hành 18 tháng tại Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh (Bình Thuận). Do đó, việc Trung tâm Y tế huyện Tánh Linh xác nhận thực hành ngoại khoa 18 tháng liên tục cho bác sĩ Linh từ 15/11/2017 đến 15/5/2019 khá khó hiểu.
Trong khi, đây là điều kiện quan trọng để cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, bác sĩ Linh hiện đang theo học Chuyên khoa 1 chuyên ngành Tạo hình thẩm mỹ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trước khi xảy ra vụ tai biến (12/2021), một số trang quảng cáo giới thiệu đây là bác sĩ Chuyên khoa 1 phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và thẩm mỹ da. Thông tin này sau đó đã được xóa bỏ.
Linh An