- Nhiều trường đại học đều có chung nhận định: Điểm chuẩn 2017 sẽ có xu hướng tăng mạnh so với năm trước.
Sáng ngày 26/7, theo đúng kế hoạch, Bộ GD-ĐT đã cung cấp dữ liệu thí sinh đăng ký cho các trường ĐH để bắt đầu quy trình xét tuyển. Chiều cùng ngày, các trường ĐH đã có những nhận định đầu tiên về xu hướng điểm chuẩn 2017.
PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trường phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, điểm chuẩn năm nay ở các trường tốp trên sẽ dâng lên khá mạnh.
Với ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn nhìn chung sẽ dồn lên, ngang với mức điểm của năm 2015. So với năm 2016, mức điểm chuẩn có thể tăng từ 1,5 - 2,5 điểm.
Việc tăng điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả các ngành, từ ngành cao đến ngành thấp, trong đó, những ngành năm ngoái lấy thấp thì có xu hướng sẽ tăng mạnh hơn những ngành tốp đầu.
"Những bạn trượt ở nguyện vọng vào các ngành hot ở tốp đầu sẽ rơi xuống các nguyện vọng ở ngành thấp hơn của năm ngoái do đó điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành này sẽ dâng lên mạnh" - ông Triệu phân tích.
Trong năm 2016, điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia làm 3 nhóm, nhóm thấp gồm các ngành có điểm chuẩn từ 21-22 điểm, nhóm giữa gồm các ngành có điểm chuẩn từ 22-23 điểm và nhóm tốp đầu gồm các ngành có mức điểm chuẩn từ 24-25,5 điểm.
Ông Triệu nhận định, các ngành tốp đầu năm nay có thể tăng lên 1 điểm ở mức 26,5 điểm trong khi đó, các ngành ở nhóm thấp hoặc nhóm giữa sẽ tăng nhiều hơn từ 1-1,5 điểm, một số ngành có thể tăng cao hơn.
Ông Triệu cũng cho biết, tổng số thí sinh nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân tính tới thời điểm hiện tại là 27.000 thí sinh, cao gấp 5,6 lần chỉ tiêu (4.800). Như vậy, cứ 5,6 thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.
Tuy nhiên, năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên không phải thí sinh nào cũng đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở nguyện vọng 1. Theo thống kê, tổng số NV đăng ký vào trường là 61.000, nghĩa là mỗi 1 thí sinh có ít nhất 3 nguyện vọng vào trường này.
Điểm chuẩn của các trường tốp trên dự kiến sẽ tăng mạnh. Ảnh: Lê Văn. |
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trường chưa chạy chính thức dữ liệu xét tuyển, tuy nhiên, phân tích sơ bộ cho thấy, năm nay, số thí sinh đăng ký vào trường tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bên cạnh đó, mức điểm ở các tổ hợp xét tuyển cũng cao hơn các năm trước nên dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng.
Thống kê sơ bộ cho thấy, số lượng hồ sơ (thí sinh) có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương lên tới 14.000 trong khi chỉ tiêu của trường năm nay là 3.750 trong đó 2.850 ở cơ sở miền Bắc và 900 miền Nam.
Theo bà Hương, xu hướng tăng điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả các ngành và tổ hợp đào tạo của trường chứ không chỉ ở một vài ngành.
Năm ngoái, điểm chuẩn của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội thấp nhất là 23,45 (tổ hợp D02) điểm và cao nhất là 26,45 điểm (tổ hợp A00). Tại cơ sở TP.HCM, mức điểm chuẩn thấp nhất là 24,5 (tổ hợp D01, A01) và cao nhất là 26,5 (tổ hợp A00).
Trong khi đó, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, theo dữ liệu từ 25/4 (trước thời điểm thí sinh thay điều chỉnh nguyện vọng) thì điểm chuẩn năm nay của trường có xu hướng nhích lên.
Có những ngành tỉ lệ chọi của NV1 lúc đó cũng khá là cao nên một số ngành rất "hot" của Bách khoa Hà Nội như công nghệ thông tin, cơ điện tử, điều khiển tự động hóa, điện tử viễn thông điểm chuẩn sẽ tăng.
"Những ngành này năm ngoái đã từ 24-27 điểm nên năm nay sẽ cao. Tuy nhiên, nhóm ngành cao nhất sẽ không tăng nhiều vì năm ngoái xấp xỉ 9 điểm (tổng 3 môn 27 điểm) rồi thì năm nay có tăng cũng tăng 9,2 -9,3 (27,4-27,6 điểm/3 môn) chứ không thể lên tới 10 (30 điểm)" - ông Tớp phân tích. "Những ngành năm ngoái lấy 8 điểm (24 điểm) có thể sẽ nhích lên".
Cũng chính vì vậy, Trường ĐH Bách khoa mới đặt ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào các ngành này là từ 24 điểm.
Ông Tớp cũng dự đoán, với mức điểm nhận hồ sơ khá cao này, trong đợt điều chỉnh nguyện vọng vừa rồi, số lượng thí sinh đăng ký vào 4 ngành này cũng giảm đi. Tuy nhiên, xu hướng điểm chuẩn tăng ở các ngành này vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó, các ngành ở "phía dưới", có mức điểm chuẩn thấp hơn sẽ tăng nhiều hơn. Những ngành như đào tạo quốc tế năm nay cũng sẽ cao vì ngay cả điểm nhận hồ sơ năm nay cũng cao hơn.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, mức điểm chuẩn vào trường năm nay ở một số ngành sẽ lấy bằng mức điểm 15,5 (mức điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT).
Một số nhóm ngành như CNTT, Kế toán sẽ có sự khác biệt song vẫn bám vào mức điểm chuẩn của năm 2016 vào trường. Năm ngoái, điểm chuẩn của 2 ngành này là 6,72 (20,16/3 môn).
Ông Thạc cũng cho biết, năm nay, do thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn nên có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Tuy vậy, đối với các trường tốp giữa như Trường ĐH Thủy lợi, sẽ khó tuyển được những thí sinh điểm cao vượt trội.
Chẳng hạn như số lượng thí sinh đăng ký vào ngành CNTT của trường cao hơn chỉ tiêu tuy nhiên, thông thường thí sinh đăng ký vào ngành này cũng đăng ký vào ngành CNTT của ĐH Bách khoa Hà Nội nên rất khó xác định mức điểm chuẩn của ngành này sẽ biến động ra sao.
Tại phía Nam, ông Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, thống kê ban đầu có hơn 40.000 thí sinh với 48.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Theo ông Đương, số lượng thí sinh có điểm cao khá nhiều, mức điểm cao đồng đều hơn năm 2016 nên điểm chuẩn vào trường sẽ tăng ít nhất 2 điểm. Một số ngành có thể tăng trên 2 điểm.
Năm 2016, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có điểm chuẩn ở mức 21 điểm (trừ ngành Kinh tế là 18 điểm), ngành Hệ thống thông tin quản lý 25 điểm (môn Toán hệ số 2), ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng Anh thương mại là 28 điểm (môn tiếng Anh hệ số 2).
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết trường có trên 27.000 thí sinh đăng ký xét tuyển. Sau lần lọc ảo đầu tiên, dự kiến điểm chuẩn một số ngành sẽ tương đương năm ngoái (từ 18-22 điểm), nhưng cũng sẽ có một số ngành cao hơn từ 1-2 điểm.
Còn ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết chưa thống kê được số lượng thí sinh đăng ký vào trường, nhưng xu thế chung là điểm chuẩn năm nay sẽ tăng. Năm 2016, trong giới hạn vùng tuyển là TP.HCM điểm chuẩn của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cao nhất là 23,2 điểm, thấp nhất là 20,2 điểm. Năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được tuyển sinh cả nước.
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết có 32.900 thí sinh đăng ký vào trường. Dự tính, điểm chuẩn một số ngành sẽ tăng nhẹ, một số ngành có thể không tăng.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có hơn 18.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, nhưng phân bổ vào các ngành không đều. Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết một số ngành truyền thống như Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Công nghệ hoá học, Kinh tế đều có hơn 1.000 hồ sơ, vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh rất nhiều, nên điểm chuẩn sẽ cao hơn năm ngoái ít nhất 1 điểm.
Tuy nhiên 5 ngành mới mở là Ngôn ngữ Anh, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản lý tài nguyên và Môi trường, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, An toàn thông tin số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lại không đủ chỉ tiêu. Nhưng để đảm bảo chất lượng cho những ngành này, trường sẽ đưa ra mức điểm chuẩn cao hơn ngưỡng điểm của Bộ quy định và chấp nhận thiếu chỉ tiêu. Dự tính điểm chuẩn của các ngành này sẽ là 16,5-17 điểm.
Các nhóm trường có thể công bố điểm chuẩn vào 31/7 Theo ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chiều 26/7, nhóm miền Bắc đã nhận được dữ liệu từ Bộ. Sáng 27/7, các trường sẽ chạy thử dữ liệu của 56 trường thành viên của nhóm để lọc ảo. Theo dự kiến, từ 28-30/7, Bộ sẽ chạy phần mềm lọc ảo 6 lần để giúp các trường đạt được chỉ tiêu tuyển sinh sát nhất. Tới cuối ngày 30/7, 56 trường thuộc nhóm sẽ chốt danh sách trúng tuyển dự kiến lần cuối để gửi lên Bộ trước khi chạy lọc ảo lần cuối cùng. Từ sáng ngày 31/7, các trường có thể công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển vào trường mình. |
Lê Văn - Lê Huyền