Những ngày cuối năm 2023, hàng triệu người dân ĐBSCL vui mừng khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng.

Nhiều người ĐBSCL nhận xét “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau’’; nhưng hiện nay mọi người nói ‘‘bây giờ muốn đi nhanh và đi xa thì phải đi cao tốc và cầu Mỹ Thuận 2”.  Điều đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế, thi công.

my-thuan-1.jpg
Lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 vào ngày 24/12. 

Ngược thời gian, 23 năm trước (năm 2000), cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam với chiều dài hơn 1,5km rộng gần 24m cho 4 làn xe bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long được khánh thành.

Thời điểm đó, đây là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân ĐBSCL, mọi người ùn ùn đổ về tham quan cầu Mỹ Thuận như trẩy hội. 

Bởi khi đó, nhiều nhận xét cho rằng, việc xây cầu Mỹ Thuận là mở đường, kết nối, lan tỏa, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong thế kỷ 21.

23 năm sau, cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành để cùng các công trình giao thông quan trọng khác thực hiện hóa giấc mơ hóa Rồng, khát vọng vươn lên của vùng ĐBSCL.

Cầu Mỹ Thuận 2 không quá dài, nhưng đóng vai trò là điểm mấu chốt để thông toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ và là cứu cánh đối với cầu Mỹ Thuận 1 luôn trong tình trạng quá tải mỗi dịp lễ, Tết. Cầu Mỹ Thuận 2, cách cầu Mỹ Thuận 1 khoảng 350m về phía thượng lưu sông Tiền. 

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, được khởi công vào ngày 16/3/2020, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do kỹ sư Việt Nam thiết kế, xây dựng. 

Cầu được thiết kế dài gần 2km với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, nhịp chính dài 350m, hai trụ tháp cao hơn 120m. Kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.

cau my thuan.jpg
Cầu Mỹ Thuận 1 và cầu Mỹ Thuận 2. 

Đặc biệt, đây là cây cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế thi công. Cầu Mỹ Thuận 2 khởi công trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành; giãn cách xã hội tưởng chừng làm đông cứng công trường.

"Ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ"

Song, vượt qua sự lo lắng, hàng trăm kỹ sư, công nhân làm việc với phương châm “3 tại chỗ” bám trụ tại công trường cầu Mỹ Thuận 2. Thủ tướng Phạm Minh Chính 4 lần trực tiếp đến công trường cầu Mỹ Thuận 2 để tháo gỡ khó khăn; động viên, khích lệ nhà thầu, kỹ sư, công nhân. 

Nói đến cầu Mỹ Thuận 2, nhiều người nói đến “những ngày ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ”, bởi tại dự án này các kỹ sư, công nhân phải thi công 52 cọc khoan có đường kính 2,5m, sâu tới 110m, là những cọc khoan nhồi dài nhất hiện nay tại khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công cầu Mỹ Thuận 2, nhà thầu, kỹ sư, công nhân cũng gặp khó khăn về nguyên vật liệu, thời tiết, sông sâu, nước chảy xiết. 

Ngoài ra, cầu Mỹ Thuận 2 còn gặp thách thức khi đây là công trường đặc biệt, các kỹ sư, công nhân phải thi công trụ tháp chiều dài hơn 120m tính từ mặt nước, giông gió luôn đe dọa tính mạng.

Các kỹ sư công nhân còn tính toán cẩn trọng đến từng chi tiết khi thi công dầm chính bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng từng đốt kéo dài; cũng như thực hiện kỹ thuật căng cáp sao cho sau hợp long công tác điều chỉnh nội lực cáp đáp ứng được độ vòng theo thiết kế.

Tất cả những thách thức đó, được chính nhà thầu, kỹ sư, công nhân Việt Nam từng bước chinh phục, giữ đúng lời hứa đưa công trình vào khai thác năm 2023.

3 my thuan.jpg
Thông xe cầu Mỹ Thuận 2 sau lễ khánh thành. 

Tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những cái hơn của cầu Mỹ Thuận 2 so với cầu Mỹ Thuận 1: Quy mô dài hơn, cao hơn, rộng hơn; cầu Mỹ Thuận 1 sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, Mỹ Thuận 2 sử dụng vốn nhiều hơn và là vốn trong nước.

Cầu Mỹ Thuận 1 do nước ngoài thiết kế, thi công, còn Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn trong tất cả các khâu, với vai trò nổi bật của nhà thầu tập đoàn Trung Nam, đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của nhân lực Việt Nam.

Suất đầu tư của cầu Mỹ Thuận 1 là khoảng 5.000 USD/m2 còn cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 2.400 USD/m2, tức là tiết kiệm khoảng 50%; tạo việc làm, sinh kế cho người dân được nhiều hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, việc khánh thành, đưa cầu Mỹ Thuận 2 vào sử dụng là động lực lớn cho tỉnh và ĐBSCL kết nối giao thông, rút ngắn thời gian đi TP.HCM, việc vận chuyển hàng hóa, hành khách được thuận lợi hơn, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. 

cau my thuan 2.jpg
Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn trong tất cả các khâu. 

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh: “Việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và cầu Mỹ Thuận 1. Ngoài ra, cầu Mỹ Thuận 2 còn tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để ĐBSCL phát triển trong thời gian tới".