Đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam ảnh hưởng rõ rệt đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành giải trí. Điện ảnh Việt trong năm 2021 được đánh giá chỉ hoạt động cầm chừng với số lượng tác phẩm ra rạp rất hạn chế.

Bức tranh doanh thu do đó được ghi nhận có những tương phản đầy bất ngờ. Trong số khoảng hơn 10 tác phẩm công chiếu, có phim phá kỷ lục, doanh thu cao ngất nhưng không ít dự án thất bại, thua lỗ nặng.

Trailer phim 'Bố già'

1. Bố già (420 tỷ đồng) 

{keywords}
"Bố Già" của Trấn Thành thắng lớn trong năm 2021. 

Thành công nhất trong năm qua là Bố già (do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đạo diễn). Ra rạp từ tháng 3, phim liên tiếp xác lập những kỷ lục phòng vé chưa từng có trong lịch sử ngành điện ảnh. Tác phẩm rời rạp với doanh thu 420 tỷ đồng, trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. 

Việc xây dựng kịch bản thuần Việt, xoáy sâu vào mối quan hệ gia đình ruột thịt là yếu tố chính giúp phim tạo sức lan tỏa. Bố già còn nỗ lực chinh phục khán giả quốc tế khi lần lượt được công chiếu tại Mỹ, Singapore, Malaysia, Hong Kong. Ngoài yếu tố doanh thu, phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao với 4 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. Vừa qua, tác phẩm được Cục Điện ảnh lựa chọn đại diện Việt Nam tranh giải 'Phim quốc tế xuất sắc' tại giải thưởng Oscar lần thứ 94.

2. Lật mặt 48h (hơn 150 tỷ đồng) 

{keywords}
"Lật mặt 48h" là phần phim có doanh thu cao nhất trong series phim của Lý Hải. 

Tác phẩm của Lý Hải cũng có màn thắng lớn sau 2 lần phải dời lịch vì Covid-19. Phim thu được hơn 150 tỷ đồng sau hai tuần khởi chiếu và đạt thành tích cao nhất trong suốt 5 phần của series.

Lật mặt thành công nhờ uy tín của thương hiệu Lý Hải sau nửa thập kỷ lấn sân điện ảnh. Phim với thể loại hành động, đề cao tình cảm gia đình, bạn bè cùng màu sắc bình dân giúp phim dễ tiếp cận số đông. Nam đạo diễn cùng vợ - Minh Hà cũng cho thấy sự tâm huyết, sáng tạo trong từng phần của dự án. Họ hiện đang viết kịch bản và lên kế hoạch khởi quay phần 6 đầu năm 2022.  

3. Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả (hơn 55 tỷ đồng)

{keywords}
"Gái già lắm chiêu V" thua lỗ doanh thu nhưng được đánh giá tích cực về tính chuyên môn. 

Phát hành cùng thời điểm với Bố già, phim từng được kỳ vọng sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt về doanh thu. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ đạt khoảng 55,4 tỷ đồng khi kết thúc công chiếu. So với số vốn đầu tư 2 triệu đô (khoảng 46 tỷ đồng), phía đơn vị sản xuất vẫn chưa thể hòa vốn. Series Gái già vốn cũng là thương hiệu đình đám của điện ảnh Việt. Do đó, việc "hụt hơi" của phần mới nhất khiến nhiều người nuối tiếc.

Dù không thành công về doanh thu, tác phẩm của bộ đôi Bảo Nhân – Nam Cito vẫn được đánh giá có nội dung mới lạ, hình ảnh trau chuốt. Ba cúp vàng được trao tại LHP Việt Nam vừa qua đã phần nào cho thấy phản hồi tích cực từ giới chuyên môn về phim.

4. Thiên thần hộ mệnh (35 tỷ đồng) 

{keywords}
"Thiên thần hộ mệnh" gặp ngở ngại khi ra mắt vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. 

Tác phẩm khai thác thể loại tâm lý - kịch tính, vốn là sở trường của Victor Vũ. Phim có thành tích bước đầu khả quan với doanh thu 35 tỷ đồng và kịp hòa vốn trước khi ngưng chiếu vì dịch. Khi các hoạt động phim ảnh được phép trở lại, Thiên thần hộ mệnh cũng là phim đầu tiên ấn định lịch chiếu từ ngày 5/11. Đây cũng là phim Việt duy nhất giữa nhiều bom tấn nước ngoài đang phủ kín các rạp hiện tại.

5. Trạng Tí phiêu lưu ký (16 tỷ đồng) 

{keywords}
"Trạng Tí" được nhận định khó gỡ vốn với chi phí đầu tư lên đến 43 tỷ đồng. 

Bộ phim của Ngô Thanh Vân chính thức ra mắt khán giả từ dịp lễ 30/4. Phim xoay quanh câu chuyện thân thế của nhân vật Tí và phát triển theo thể loại phiêu lưu - hành trình, được phản hồi tích cực từ người xem là đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, phim phải ngừng chiếu sau 3 ngày ra rạp vì lệnh đóng cửa phòng dịch ngày 3/5. Tổng doanh thu của phim hiện là 16 tỷ đồng so với mức đầu tư 43 tỷ đồng. Nhà sản xuất hiện cân nhắc thời điểm thích hợp để ra rạp trở lại.

Trailer phim 'Trạng Tí'

6. Em là của em (14,3 tỷ đồng) 

{keywords}
Phiên bản Việt hóa của Ngô Kiến Huy không để lại nhiều dấu ấn. 

Tác phẩm được lấy cảm hứng từ phim Hàn Quốc Yêu bằng cả trái tim, thuộc dòng phim tình cảm – hài đậm tính giải trí. So với những bộ Việt hóa trước đó, phim không tạo được nhiều dấu ấn đáng kể. Ca sĩ Ngô Kiến Huy dù được ghi nhận với vai giả gái nhưng không đủ sức gánh cả bộ phim. Sau 2 tháng ra rạp, bộ phim có tổng doanh thu là 14,3 tỷ đồng.

7. Cậu Vàng (3 tỷ đồng) 

{keywords}
"Cậu vàng" thất bại vì làn sóng tẩy chay từ khán giả. 

Là tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm từ thời điểm công bố tạo hình, Cậu Vàng lại gây thất vọng với người xem khi ra mắt. Phim lấy bối cảnh cuộc sống trước 1945 nhưng bị đánh giá sơ sài, rời rạc về mặt nội dung. Với doanh thu chỉ 3 tỷ đồng so với mức đầu tư 23 tỷ, phim của đạo diễn Trần Vũ Thùy lỗ 20 tỷ và phải rút khỏi rạp sau hơn 2 tuần phát hành.

8. Kiều (2,7 tỷ đồng) 

{keywords}
Tác phẩm tưởng nhớ Đại thi hào Nguyễn Du nhận phản hồi trái chiều khi ra mắt. 

Tác phẩm tâm huyết 10 năm của diễn viên Mai Thu Huyền cũng bị xếp vào top những bộ phim thất bại về doanh thu. Mượn cảm hứng từ nhân vật nàng Kiều của Nguyễn Du, phim cho thấy sự non tay về kỹ thuật quay dựng và lỗ hổng kịch bản, lạm dụng kỹ xảo. Sau 18 ngày ra rạp, Kiều lỗ hơn 27 tỷ đồng (doanh thu 2,7 tỷ đồng, đầu tư hơn 30 tỷ đồng). Phim buộc phải rút sớm để chuyển qua khai thác trên nền tảng trực tuyến nhưng cũng không thành công.

9. Võ sinh đại chiến (hơn 1,5 tỷ đồng)

{keywords}
"Võ sinh đại chiến" có vòng đời ngắn ngủi bậc nhất trong các phim Việt. 

Chung số phận như Cậu Vàng, KiềuVõ sinh đại chiến. Phim cũng bị xếp vào danh mục phim “bom xịt” của điện ảnh Việt 2021. Bộ phim khai thác về yếu tố võ thuật cổ truyền Việt Nam với dàn diễn viên trẻ đẹp. Thế nhưng, dự án mắc khuyết điểm cố hữu của phim Việt là khâu kịch bản hời hợt. Sau 1 tuần công chiếu và đem về doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, phim chủ động xin rút khỏi các hệ thống rạp.

10. Kiều @ (gần 1 tỷ đồng)

{keywords}
"Kiều @" có chất lượng kém xa so với sự pr hoành tráng ban đầu từ đoàn phim. 

Phim của đạo diễn Võ Thành An được quảng bá là phim điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam quay bằng kỹ thuật “one shot”. Lấy tựa đề Kiều @, phim muốn khắc họa hình tượng nàng Kiều thời hiện đại. Thế nhưng, ê-kíp lại khai thác vở cải lương Nửa đời hương phấn. Khi ra mắt, tác phẩm nhận lời chê vì sa đà khai thác cảnh “nóng” và gây chóng mặt vì nhịp phim nhanh, thiếu logic. Từ lúc công chiếu đến khi rời rạp, phim chỉ đạt doanh thu chưa đến 1 tỷ đồng.

{keywords}
Điện ảnh Việt 2021 có nhiều sự tương phản về chất lượng, doanh thu.

Điện ảnh Việt năm vừa qua có khoảng hơn 10 tác phẩm được ra rạp. Tuy nhiên, chỉ có 2 phim có doanh thu tốt, một phim hòa vốn, tất cả dự án còn lại đều lỗ vốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ. Ngoài 10 phim trên, số ít những phim còn lại như Song Song, Sám hối,… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Doanh thu bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nhưng kết quả trên cho thấy khán giả ngày càng khó tính và khắt khe hơn trong việc chọn lựa phim để thưởng thức.

Từ đầu tháng 11, khi rạp phim TP.HCM lẫn Hà Nội – 2 thị trường điện ảnh lớn nhất nước được mở cửa sau giãn cách - nhiều nhà sản xuất phim cũng lần lượt công bố kế hoạch trở lại. Những tác phẩm được công chiếu sắp tới gồm: Rừng thế mạng, Bẫy ngọt ngào, Bóng đè,… Điều này được dự đoán sẽ phần nào phục hồi thị trường điện ảnh Việt sau thời gian dài "ngủ đông". 

Thúy Ngọc 

Phim 420 tỷ của Trấn Thành đại diện Việt Nam dự Oscar

Phim 420 tỷ của Trấn Thành đại diện Việt Nam dự Oscar

'Bố già' - tác phẩm điện ảnh đầu tay của MC Trấn Thành được chọn là đại diện Việt Nam đi Oscar 2022.