- Cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa đặt vấn đề thuê Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước tòa. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng đã ủy quyền cho hai công chức trực tiếp tham gia tố tụng trước tòa với tư cách là đại diện người bị kiện.

Ngày 21/11, báo chí tiếp tục có thông tin về sự việc ông Hoàng Xuân Quế - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khởi kiện quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

{keywords}

Báo Đất Việt ngày 19/11 dẫn lời người được Bộ trưởng GD-ĐT ủy quyền tham gia tố tụng cho biết: "Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Xuân Quế đối với KL số 1254//KL-BGDĐT, đồng thời tham gia tố tụng trong vụ án do ông Quế khởi kiện Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT tại Tòa ánh hành chính, Tòa án nhân dân TP Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ GDĐT cũng đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, tài liệu do tòa án yêu cầu liên quan đến sự việc. Chúng tôi cũng đã khẳng định với tòa án: Bộ GD-ĐT có đầy đủ căn cứ khi ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013".

Quan điểm của Bộ trước sự việc này là: "Bộ GD-ĐT không muốn đưa bất cứ thông tin gì trong thời gian Tòa án đang giải quyết vụ án. Bởi vì, Bộ là cơ quan nhà nước thực thi công vụ, không phải là một bên tranh chấp tranh luận với bên tranh chấp khác. Mặt khác, không nên khoét sâu vào nỗi đau của bất cứ ai khi những sai trái nhất thời của họ đã phải trả giá không nhỏ".

Bên cạnh đó, vị đại diện nói rõ quan điểm của Bộ: "Đây là vụ việc khá quan trọng, liên quan đến vị trí chính trị và đạo đức của một người đã có thời gian công tác khá dài trong ngành giáo dục. Nếu người đó bị ảnh hưởng thì không chỉ bản thân, gia đình mà còn là trường, là ngành giáo dục bị ảnh hưởng.

Nhưng cũng không vì sợ bị ảnh hưởng mà bưng bít sự thật. Trong quá trình giải quyết tố cáo, chúng tôi luôn mong muốn sự thật không như nội dung tố cáo. Nếu kết quả xác minh, kết luận của các cơ quan cùng tham gia không phải như vậy, có nghĩa là không ai bị xấu đi tình trạng của mình thì chúng tôi cũng rất mừng. Rất tiếc là sự thật không được như mong muốn đó.

Sau sự việc này, Bộ GD-ĐT cũng bị ảnh hưởng, nhưng không vì điều đó mà giải quyết tố cáo sai lệch, dung túng cho việc đạo văn. Chúng tôi luôn quan niệm rằng để giảm thiểu những tồn tại, bất cập thì cách tốt nhất là đối mặt với nó. Qua sự việc này, cũng mong những ai còn nghĩ đơn giản về việc làm luận án sẽ phải thay đổi và quá trình thẩm định luận án sẽ ngày càng chặt chẽ, có trách nhiệm hơn, chất lượng các luận án sẽ tốt hơn".

Chỉ một nửa thành viên hội đồng bênh vực ông Quế?

Ngày 21/11, báo Giáo dục và thời đại trích đăng một số phân tích, điều tra… của báo Thanh tra xung quanh vụ việc này.

Theo những phân tích này thì chỉ có 3/7 thành viên trong Hội đồng, 1/2 số giáo viên hướng dẫn và 1/2 số người phản biện độc lập có ý kiến bênh vực ông Hoàng Xuân Quế về Kết luận và Quyết định của Bộ GD-ĐT, trong khi một số thành viên khác không có ý kiến hoặc chỉ xác nhận về quy trình bảo vệ.

Tại thời điểm năm 2003, Quy chế đào tạo sau ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc phải có lời cam đoan và nếu có lời cam đoan cũng không quy định bắt buộc ký. Lời cam đoan có ý nghĩa là cam đoan danh dự về công trình nghiên cứu. Ngoài ra, theo quy định tại thời điểm năm 2003, luận án nộp tại các Thư viện không quy định phải nộp kèm theo như ông Quế đã “kêu oan”.

Bài báo cũng đặt vấn đề, việc ông Quế cho rằng có thể nộp nhầm luận án là lý do hết sức “ngây thơ” vì theo Kết luận tố cáo của Bộ, các bản luận án lưu tại các Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có nội dung hoàn toàn trùng khớp với bản Luận án ông Quế đã nộp Bộ để làm thủ tục bảo vệ luận án lưu tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM.

Trước những ý kiến cho rằng “thu hồi bằng là sai quy định vì đã hết thời hiệu xử lý do ông ta đã vi phạm cách đây 10 năm”, phía Bộ GD-ĐT cho biết Bộ thực hiện hủy bỏ học vị Tiến sĩ của ông Quế là căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục ĐH và sau ĐH ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2002 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Theo quy định này không có thời hiệu cho việc thu bằng, nếu sau 10 năm hay hàng chục năm một cá nhân bị phát hiện đạo văn như ông Quế vẫn sẽ bị thu bằng.

Được biết, hiện nay ông Hoàng Xuân Quế đang chờ đợi và sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của phía Toà án.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • Chi Mai (tổng hợp)