Đây có thể là lúc ngừng đề cập tới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, như một quốc gia đang nổi và tập trung vào việc tạo việc làm. Hiện tại, công cuộc phục hồi toàn cầu dường như đã có chỗ dựa.

Đó là những gì các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các chính khách và nhà hoạt động xã hội đã thảo luận cùng với những vấn đề khác trong ngày khai mạc 26/1 Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

 
Ảnh: Reuters

"Có một sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, nhà kinh tế học Nouriel Roubini, người nổi tiếng vì dự báo cuộc khủng hoảng 2008 và ít tháng trước vẫn còn cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc “suy thoái kép”. Ông nhấn mạnh: “Các bảng cân đối đang mạnh, lòng tin đang gia tăng”, căng thẳng tín dụng giảm và tính thanh khoản đã tăng.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng, tại Mỹ và châu Âu, tăng trưởng vẫn thấp và tỉ lệ thất nghiệp cao. Mỹ vẫn đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản và không giành được nhiều lòng tin trong khả năng giải quyết nợ nần và thâm hụt, trong khi các thị trường châu Âu buộc phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm và cũng gây rủi ro cho tăng trưởng.

Và như “ám chỉ” đến Trung Quốc, Roubini nói “không có sự điều chỉnh đầy đủ về tỉ giá” và cảnh báo điều này có thể dẫn tới “những cuộc chiến tranh tiền tệ và cuối cùng là chiến tranh thương mại cũng như chủ nghĩa bảo hộ”.

2.500 đại biểu tham dự đã tập trung vào các đánh giá chuyên môn về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, những quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và xem xét những cơn “dư chấn” khả năng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều nước phải áp dụng các biện pháp cắt giảm, thắt lưng buộc bụng.

Với việc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới vào năm trước, và tăng trưởng dự báo tiếp tục giữ mức ổn định trong năm nay, các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi về khái niệm “đang phát triển, đang nổi lên”. "Chúng ta cần đưa ra khỏi từ điển những từ “đang phát triển” hoặc “đang nổi lên”, Martin Sorrell, giám đốc đièu hành tập đoàn quảng cáo WPP Group cho biết.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cử đoàn đại biểu lớn nhất từ trước tới nay tham dự Diễn đàn khi lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đang tìm kiếm đặt nền móng trên vũ đài thế giới trước đây do những công ty Mỹ và châu Âu chiếm ưu thế.

"Trong 10 năm, các nền kinh tế của thế giới mới nổi sẽ vượt quá 20 nghìn tỉ USD - tương đương với kinh tế Mỹ", Azim Premji, Chủ tịch Wipro của Ấn Độ nhấn mạnh.

Chu Dân, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc và hiện là cố vấn đặc biệt cho Tổng giám đốc IMF cho rằng, những con số kỳ vọng mù mịt quá lớn trong số những nước nghèo nhất thế giới đang phát triển có thể không thành công sớm.

Chủ đề Diễn đàn năm nay là “Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới”. Một phần trong đó cũng bao gồm thực tế kinh tế mới và việc chuyển dịch việc làm từ Tây sang Đông là suy nghĩa chung của nhiều người.

"Những gì đang mất đi ở phương Tây là một… cảm giác khẩn cấp” về nạn thất nghiệp, đặc biệt với tầng lớp thanh niên với những kỹ năng không phải lúc nào cũng đáp ứng yêu cầu của thị trường đang phát triển nhanh chóng, Arianna Huffington, nhà đồng sáng lập và Tổng biên tập trang tin tức Huffington Post nói về tương lai việc làm.

Kết luận chung của các giám đốc điều hành doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn là những thị trường hứa hẹn nhất giờ đây tập trung ở phương Đông, và phương Tây là câu trả lời không dễ dàng.

"Trong lĩnh vực tăng trưởng số lượng, tôi không nghĩ phương Tây có thể làm bất cứ điều gì”, Lars Olofsson, giám đốc điều hành Carrefour SA, chủ lao động lớn nhất châu Âu, cho biết.

Philip Jennings, đứng đầu UNI Global Union, thúc giục việc chấm dứt các chương trình cắt giảm tiết kiệm và nhấn mạnh, G20 cần làm nhiều hơn để tạo việc làm.
"Nếu tôi đến gặp một nhóm công nhân và nói, tương lai nằm ở phương Đông, thì sẽ xảy ra nhiều cuộc Cách mạng Hoa nhài hơn nữa”, ông cảnh báo. Ông đề cập tới cuộc nổi dậy của người Tunisia trong việc lật đổ tổng thống nước này sau nhiều tuần biểu tình phản đối thất nghiệp và tham nhũng.

Cuối ngày đầu tiên của Diễn đàn kéo dài 5 ngày, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã có bài phát biểu trấn an các nhà đầu tư nước ngoài sau vụ khủng bố tại sân bay quốc tế Domodedovo của Nga ngày 24/1 vừa qua.

Bên cạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Nga, ông Medvedev cho biết, Nga đang tiến tới việc thiết lập một thị trường riêng từ Baltic tới Thái Bình Dương và hy vọng sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2011.
Tổng thống Medvedev còn nêu một số đề xuất như thế giới cần tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của G20, đưa tiền tệ của các nước thành viên BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) vào giỏ quyền rút vốn đặc biệt của IMF...
Thái An (Theo businessweek)