Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ có những tiêu chuẩn an toàn cao nhất, đây là khẳng định của Ông Sergey A. Boyarkin – Phó tổng giám đốc của Rosatom (Nga).

Tin liên quan

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang trong giai đoạn khảo sát chọn địa điểm, dự kiến năm 2013 chuẩn bị cơ sở hạ tầng, năm 2014 bắt đầu xây dựng. Ông Boyarkin, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nhà nước của Nga (Rosatom), đối tác thi công dự án, trao đổi với báo chí ngày 9/2.

Ông Sergey A. Boyarkin (phải) Nga Rostatom. Ảnh: TTO
Theo ông Boyarkin, nhà máy điện nguyên tử do Nga xây dựng ở Ninh Thuận sẽ có lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 với cấu trúc đảm bảo không thất thoát bức xạ.

Giải thích rõ hơn, ông Boyarkin nói: "Nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl và Fukushima đều sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 2, được thiết kế từ những năm 1950. Hai thế hệ này (thế hệ 2 và 3- Người viết) khác nhau như ôtô của những năm đó với bây giờ vậy".

Trước những lo ngại sự cố hạt nhân có thể xảy ra do động đất và sóng thần như trường hợp ở Nhật Bản, ông Boyarkin khẳng định nhà máy được thiết kế để chịu được động đất đến cấp 9, trong khi dự báo khả năng động đất ở Ninh Thuận tối đa là 7,5.

Tập đoàn Rosatom cũng đang khảo sát để chọn địa điểm đặt các tổ máy, sao cho nhà máy gần biển nhưng các tổ máy cách biển đủ xa để không bị ảnh hưởng bởi sóng thần.

Rút kinh nghiệm của Fukushima, các tổ máy không thể hoạt động do nguồn điện dự phòng bị phá hủy, ông Boyarkin chỉ ra các nhà máy mà tập đoàn đã và đang xây dựng đều đặt các cụm phát điện ở vị trí cao, không bị ảnh hưởng cả khi nhà máy bị ngập nước.

“Mỗi tổ máy của nhà máy ở Ninh Thuận sẽ có 4 máy phát điện diesel, đặt trong các nhà riêng kín, hoạt động độc lập”, ông Boyarkin cho biết. Đồng thời, dự án cũng sẽ có một số hệ thống an toàn không cần điện.

Những bộ phận dễ bị gỉ của các tổ máy cũng có thể được áp dụng các loại vật liệu mới không gỉ.

Với các chi phí phát sinh để đảm bảo an toàn, giá nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam có thể cao hơn ở Nga (2.700USD/kW), nhưng dự tính sẽ không quá 3.000USD.

Ông Boyarkin bày tỏ tin tưởng dự án sẽ được khởi công đúng kế hoạch, sẽ hoàn thiện công việc xây dựng vào năm 2018, để nghiệm thu trước khi đưa nhiên liệu vào lò và chính thức vận hành năm 2020.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: bee.net.vn
Rosatom cũng tham gia dự án xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân Việt Nam, nơi có lò phản ứng nghiên cứu để cán bộ Việt Nam vừa học tập vừa thực hành.

“Công nghệ hạt nhân rất tiên tiến và phức tạp, muốn làm chủ nó phải học tập nhiều và có trách nhiệm cao”, ông Boyarkin nói. “Nga sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nắm bắt công nghệ này”.

Phía Nga cũng lưu ý tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về an toàn hạt nhân. Nga, nước có tiêu chuẩn an toàn hạt nhân cao nhất thế giới nhờ một cơ sở pháp lý tốt. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đang phối hợp hỗ trợ Việt Nam xây dựng khoảng 100 văn bản còn thiếu.

“Vì mục đích cuối cùng không chỉ là xây dựng một nhà mát điện hạt nhân, mà là phát triển ngành điện hạt nhân ở Việt Nam”, ông Boyarkin nói.

Chung Hoàng

Khoan thăm dò địa điểm nhà máy ĐHN đầu tiên
(VietNamNet) - Vài ngày sau đợt nghỉ Tết Nhâm Thìn, gần 100 công nhân và kỹ sư đã triển khai công tác khoan thăm dò địa chất trên biển và đất liền nơi dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
 
Bí ẩn nguồn năng lượng “mất tích” trên Trái đất
Các chuyên gia vệ tinh và hải dương học quốc tế đã giải mã được một trong những bí ẩn lớn nhất của NASA – năng lượng mà mặt trời phóng xuống Trái đất biến đi đâu?
 
Lấy năng lượng từ biển bằng… bơm xe đạp
Một loại máy phát điện thủy triều mới tỏ ra là một phương pháp có hiệu quả và rất đáng tin cậy để sản xuất điện năng.