Cựu ngoại trưởng Seiji Maehara - người đang được sự ủng hộ lớn để trở thành thủ tướng tiếp theo nói Nhật Bản nên ngừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Phát biểu của ông Maehara đưa ra quan điểm rõ ràng nhất về việc phản đối điện hạt nhân tại cuộc họp báo hôm 27/8 - nơi năm thành viên của đảng cầm quyền đang nỗ lực chạy đua để thay thế vị trí của ông Naoto Kan đưa ra phác thảo các mục tiêu chính sách của họ.
Các ứng viên vào ghế thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Năng lượng nguyên tử trở thành một tâm điểm khác ở Nhật sau khi nước này hứng chịu thảm họa động đất sóng thần gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3. Đảng Dân chủ cầm quyền sẽ lựa chọn người đứng đầu vào hôm nay (29/8), người này cũng sẽ là thủ tướng - vị thủ tướng thứ sáu của Nhật trong vòng năm năm qua.
Hôm thứ sáu, ông Kan tuyên bố từ chức sau gần 15 tháng lãnh đạo nước Nhật. Những chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền, bế tắc trong quốc hội và các chỉ trích nặng nề với chính quyền về cách giải quyết hậu quả động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân đã khiến ông đi tới quyết định này.
Người dân Nhật Bản, với mong muốn đoàn kết chính trị và giải quyết các hậu quả thảm họa, đã ngày càng trở nên bất mãn với sự chia rẽ, tranh cãi, đổ lỗi cho nhau trong các phiên họp quốc hội. "Đó là sự lúng túng, thật khó để biết ai là thủ tướng trong những ngày này”, Rie Aoki, một người nội trợ ở Fuchu, ngoại ô Tokyo nói. "Chỉ có cãi vã trong quốc hội, học sinh cấp hai còn có những câu chuyện thú vị hơn”. Bà hy vọng các chính khách sẽ tập trung vào khu vực ven biển phía đông bắc nơi bị sóng thần tàn phá: “Tôi thực sự mong muốn họ làm việc cùng nhau, về những gì nơi ấy cần đến”.
Năm thành viên của đảng cầm quyền Nhật, những người đã tuyên bố tranh cử sau quyết định từ chức của ông Kan sẽ tổ chức các cuộc họp báo và tranh luận trong hai ngày cuối tuần. Sau đó, 398 thành viên của đảng này trong quốc hội sẽ lựa chọn chủ tịch đảng, người cũng sẽ đảm nhận cương vị thủ tướng bởi ưu thế của đảng cầm quyền trong hạ viện Nhật.
Người
kế nhiệm của ông Kan sẽ là thủ tướng thứ sáu của Nhật trong vòng năm
năm, đánh dấu những bất ổn trong chính trị ngay cả khi nước Nhật đang
phải vật lộn với sự sụt giảm kinh tế, dân số già
hóa và đòi hỏi những nỗ lực tái thiết khổng lồ sau thảm họa.
Cho tới thời điểm này, các ứng viên tranh cử không nói nhiều về kế hoạch
tái thiết hậu thảm
họa hay những vấn đề nghiêm trọng khác như giải quyết gánh nặng nợ nần
quốc gia. Họ có vẻ quan tâm hơn về việc làm sao tranh thủ được những lá
phiếu bầu từ các thành viên trong đảng.
Các cuộc thăm dò cho thấy, ứng viên được ủng hộ nhiều nhất để thay thế ông Kan là cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda đang nổi lên trở thành đối thủ nặng ký sau khi báo chí Nhật đưa tin, ông được sự ủng hộ của nhân vật kỳ cựu trong đảng là Ichiro Ozawa.
Maehara, 49 tuổi, đã trở nên nổi bật bởi quan điểm cứng rắn với Trung Quốc xung quanh chuyện tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông. Ông ủng hộ Mỹ và ủng hộ liên minh an ninh chặt chẽ với Mỹ. "Đây không chỉ là cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng. Chúng ta phải chuyển tải thông điệp của mình tới người dân”, ông Maehara nói hôm thứ sáu tuần trước.
Kaieda, 62 tuổi, nguyên là bình luận viên truyền hình về các vấn đề kinh tế, là người ủng hộ tự do thương mại và cải cách thuế khóa. Ông có cái nhìn khá thận trọng về điện hạt nhân. Ông cũng chứng tỏ có thể cứng rắn, sa thải ba quan chức chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân - động thái có thể xoa dịu nỗi bất mãn của cử tri về mối quan hệ giữa các quan chức và ngành công nghiệp hạt nhân. "Tôi tin rằng có một vai trò duy nhất mà tôi có thể phục sự vào thời điểm Nhật phải đối mặt với đồng yên tăng vọt và sụt giảm kinh tế kéo dài”, ông nói. "Đó là thời gian để Nhật chứng minh sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của mình”.
Những ứng viên khác cho chức vị lãnh đạo đảng cầm quyền của Nhật là Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda, cựu Bộ trưởng Giao thông Sumio Mabuchi và Bộ trưởng Nông nghiệp Michihiko Kano.
Sau cuộc bỏ phiếu của đảng cầm quyền Nhật hôm nay, nội các mới sẽ được thiết lập vào ngày ngày mai.