Những cáo buộc gần đây về việc sử dụng điện thoại di động gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi đã khiến nhiều phụ nữ mang thai lo lắng. Tuy nhiên, kết luận trên rất có thể là một sự hiểu lầm.

Bức xạ từ điện thoại di động có thực sự ảnh hưởng tới thai nhi? Ảnh: Jose Luis Pelaez Inc.
Theo New Scientist, hầu hết các tin cảnh báo về việc sử dụng điện thoại di động có thể ảnh hưởng tới hành vi của trẻ khi ra đời đều xuất phát từ một nghiên cứu mới về ảnh hưởng của sóng điện từ lên những con chuột chưa ra đời.

Trong đó, các nhà khoa học cho biết họ đã tiến hành thí nghiệm trên 33 con chuột mang thai, và bật điện thoại liên tục trong vòng 17 ngày (suốt chu kì mang thai của chuột). Sau khi so sánh hành vi của những con chuột được sinh ra trong thí nghiệm này với những con chuột bình thường thì nhóm những con chuột chịu ảnh hưởng của sóng điện từ có biểu hiện hiếu động thái quá, hay lo lắng và trí nhớ kém.

Nghiên cứu này đã được công bố rộng rãi trên tờ Scientific Reports. Tuy nhiên, từ thí nghiệm này, việc các nhà nghiên cứu rút ra kết luận về việc sóng điện từ có ảnh hưởng tương tự với thai nhi của con người lại gây ra nhiều tranh cãi.

Hugh Taylor, một những nhà khoa học tham gia nghiên cứu trên, cho rằng “sóng điện thoại phải chịu một phần trách nhiệm đối với những rối loạn hành vi ở trẻ em”.

Erich Taylor, một nhà tâm lí học trẻ em thuộc Viện Tâm lí học của King College London thì lại phát biểu rằng cần phải lưu ý trong việc rút ra kết luận về con người từ những thí nghiệm đối với chuột. Ông cho biết thêm rằng mức độ bức xạ trong thí nghiệm là khá lớn, và sự phản ứng của các loài đối với sóng điện từ là khác nhau.

Katya Rubia, cũng thuộc Viện Tâm lí học của King College London, gay gắt hơn khi cho rằng việc liên hệ giữa chuột và người trong nghiên cứu này là một việc “gieo hoang mang và vô lý”. Về cơ bản, nghiên cứu về chuột mới sinh không phải là một mô hình tốt để có thể rút ra kết luận về trẻ sơ sinh và hơn nữa, phụ nữ có thai rất hiếm khi phải tiếp xúc với một bức xạ liều cao tương đương với những con chuột mẹ trong phòng thí nghiệm.

Hà Nguyễn