Báo cáo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm, chuỗi Thế Giới Di Động của tập đoàn Thế Giới Di Động giảm 13% doanh thu so với cùng kỳ, chuỗi Điện máy Xanh tăng trưởng 0%.
Trong khi đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm, FRT (sở hữu hệ thống FPT Shop) đạt doanh thu thuần 10.729 tỉ đồng và lãi sau thuế 9,2 tỉ đồng, giảm lần lượt 14% và 96% so với cùng kì 2019.
Các nhà bán lẻ tung nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm. (Ảnh: Hải Đăng) |
Sức mua điện thoại bắt đầu giảm tăng trong vài năm gần đây, bắt đầu tăng trưởng âm từ năm ngoái. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 khiến FPT Shop và Thế Giới Di Động phải đóng cửa nhiều cửa hàng, cộng với người dân hạn chế mua hàng không thiết yếu, khiến doanh thu ngành hàng điện tử, di động giảm sút.
Ngoài ra, việc FRT gia tăng mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng khiến chi phí tăng lên, giảm doanh thu và lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của hai nhà bán lẻ này đang tăng về mốc cao hồi đầu năm, sau khi chạm đáy ở giai đoạn giãn cách xã hội tại Việt Nam tháng 3, tháng 4.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, mã MWG lên 114.300 đồng/CP, bằng 96,6% so với mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Trong khi ở giai đoạn cao điểm dịch, mã MWG giảm hơn một nửa so với hiện nay.
Trong khi đó, mã FRT cuối tuần trước cũng tăng lên 25.450 đồng/CP, tương 94,6% so với mức cao nhất trong 52 tuần gần đây. Trong giai đoạn thấp điểm của năm, mã này giảm chạm đáy 10.100 đồng/CP.
Mã FRT giữ mức ổn định kể từ thời điểm hồi phục sau dịch từ tháng 6 đến nay. Trong khi đó, sau thời gian vượt khỏi đáy, mã MWG tăng đều đặn từ tháng 8 đến nay.
Việc thị trường di động Việt Nam đạt mốc bão hoà đã được dự báo từ nhiều năm trước. Đây là lý do cả hai nhà bán lẻ công nghệ năng động này đã chuẩn bị các bước đối phó từ trước, bằng cách mở rộng ngành hàng mới. FPT Shop đi các bước cẩn thận với ngành nghề gần gũi, trong khi Thế Giới Di Động thử nghiệm nhanh và mở rộng nhiều ngành hơn.
FPT Shop mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu và kỳ vọng mảng dược phẩm đóng góp 3.000 tỷ đồng trong tổng doanh thu hơn 18 ngàn tỷ vào năm 2021. Ngoài ra, chuỗi này đã thử nghiệm bán vé máy bay online, mở chuỗi sửa chữa laptop. Trước đó, FPT Shop đã cung cấp dịch vụ mua hàng từ nước ngoài, và từng thử nghiệm hợp tác bán hàng điện máy. Bên cạnh đó, chuỗi này vẫn duy trì mảng mắt kính thời trang.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động mở sang lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng với chuỗi Bách hoá Xanh. Tính đến tháng 10, chuỗi này tăng trưởng 108% so với năm ngoái, góp đến 19% doanh thu tập đoàn.
Bên cạnh mảng tiêu dùng giúp MWG tiếp tục giữ đà tăng trưởng, nhà bán lẻ này cũng nhảy vào buôn bán đồng hồ. Doanh thu mảng này đạt 1.300 tỷ đồng 10 tháng đầu năm, chiếm khoảng 1,3% tổng doanh thu. Ngoài ra, Thế Giới Di Động bắt đầu khởi động lại việc mở mới các nhà thuốc An Khang.
Hai chuỗi Thế Giới Di Động và FPT Shop vẫn đang dẫn đầu thị trường bán lẻ công nghệ xét về doanh thu. Để giữ tăng trưởng trong bối cảnh sức tiêu thụ điện thoại giảm, cả hai đều đã, đang tìm các phương án kinh doanh mới mẻ hơn.
Hải Đăng
Quỹ đầu tư ngoại chi hàng ngàn tỷ đồng mua cổ phiếu Thế Giới Di Động
Tính từ cuối năm 2019, các quỹ đầu tư ngoại đã chi khoảng 2 ngàn tỷ đồng để mua vào cổ phiếu công ty bán lẻ công nghệ lớn nhất Việt Nam.