Uber, Citibank, Coca Cola, Amazon và rất nhiều công ty khác đang thành công với việc ứng dụng điện toán đám mây vào hệ thống công nghệ thông tin của công ty. Ngược lại, một công ty lớn như Kodak khi không thay đổi kịp thời đã phải tuyên bố phá sản năm 2012, ông Lưu Danh Anh Vũ – Trưởng nhóm Country Cloud của IBM Việt Nam – phát biểu trong hội thảo SMAC “Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng” do Mobifone tổ chức chiều ngày 2/12/2015 tại TP.HCM.
Trưởng nhóm đám mây của IBM dẫn số liệu thống kê cho biết, có khoảng 70% giám đốc công nghệ thông tin của các công ty khẳng định, những phân tích về dữ liệu lớn (big data) sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh và nhiều yếu tố khác của công ty. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của dữ liệu lớn và điện toán đám mây trong tất cả các ngành nghề hiện nay.
Ông Anh Vũ cũng cho biết xu hướng hiện nay là các hãng sẽ chia sẻ API – hiểu nôm na là một gói mã nguồn - với nhau để cùng nhau phát triển ứng dụng, hoặc phát triển ứng dụng riêng. Ví dụ một công ty kinh doanh trong lĩnh vực xe hơi khi phát triển phần mềm có liên quan đến ngân hàng thì có thể tìm kiếm các API do các ngân hàng chia sẻ, để tiết kiệm thời gian không phải phát triển riêng một gói dịch vụ ngân hàng, đồng thời có thể có liên kết với ngân hàng đã chia sẻ API đó.
Ông Vũ dẫn số liệu, trong 18 tháng vừa qua, có khoảng 14.000 API đã được chia sẻ công khai, thể hiện xu hướng chia sẻ đang ngày càng nhiều của các công ty lớn, nhỏ. Citi Group, một tập đoàn tài chính, là ví dụ cho việc thu thập và chia sẻ các ý tưởng từ cộng đồng. Tập đoàn này hiểu rằng thu thập ý tưởng từ bên ngoài, tạo ra các cộng đồng, thì sẽ tạo ra được các ý tưởng sáng tạo với giá rẻ. Tại New York, Mỹ, một ý tưởng phát sinh từ xu hướng này của Citi Group chính là dịch vụ City Bike, cho phép thuê và trả xe đạp ở bất kỳ điểm nào của thành phố.
Về xu hướng dữ liệu lớn, ông Vũ nói về sự thay đổi trong thời gian gần đây của hãng máy bay Airbus, trong việc hạn chế được thời gian trễ chuyến bay nhờ vào ứng dụng dữ liệu lớn. Một trong các yếu tố gây ra trễ chuyến bay, theo ông Vũ, chính là việc quay vòng máy bay. Airbus hiện đang khống chế thời gian quay vòng của máy bay vào khoảng 25 phút mỗi chuyến, hoặc tối đa là 45 phút. Ông Vũ cho biết, mỗi giờ chậm chuyến bay sẽ gây thiệt hại khoảng 10.000 USD, nước Mỹ mất khoảng 8 tỷ USD hàng năm về chuyện trễ chuyến. Do đó, việc của Airbus là làm sao để giải quyết tình trạng này. Theo ông, những lý do ảnh hưởng đến việc trễ chuyến bay là lúc cất hay hạ cánh, cộng với các lý do kỹ thuật, bảo trì… Một chiếc máy bay có khoảng 360.000 linh kiện, cộng với việc xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn, như mặt đất, đội bay, hành khách… nên hệ thống xử lý phải lớn, đúng thời điểm, đúng thao tác. Để giải quyết dữ liệu dạng này, phải là dữ liệu lớn, thực hiện trên đám mây.
Theo ông Vũ, những công ty như Amazon, Uber là ví dụ tiêu biểu về việc ứng dụng dữ liệu lớn. Và Việt Nam có thể không cần làm giống những công ty kể trên do có những đặc thù khác nhau, nhưng có thể dựa vào ý tưởng, sáng tạo của mình để làm sản phẩm phù hợp. Doanh nghiệp Việt cũng nên dựa vào khả năng, nguồn lực mà ứng dụng đám mây, có thể tìm kiếm các nguồn cung cấp dịch vụ đám mây phù hợp chi phí nhưng chất lượng bảo đảm.
Hội thảo SMAC 2015 chiều ngày 2/12/2015 do Mobifone tổ chức có sự tham dự của khoảng 400 lãnh đạo doanh nghiệp, với mục đích gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cập nhật xu hướng công nghệ, đồng thời nhằm chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ SMAC (Social - Mobile - Analytics, Cloud) trong quản trị và kinh doanh. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của ông Steve Wozniak, đồng sáng lập hãng công nghệ Apple.