Tôi trò chuyện cùng Lê Vi trong ngôi nhà thân thuộc của gia đình chị ở phố Phan Đình Phùng, ngôi nhà với chị đã thuộc về ký ức.

{keywords}

Chị nói cuộc sống của chị đã rẽ sang một ngã khác, ở đó không có sự ồn ào hay cả những hào quang của danh vọng. Ở đó, chị, một người đàn bà quẩn quanh trong tổ ấm gia đình của mình. An nhiên và nhẹ nhõm đến không ngờ. Bởi chị đã sống tận cùng cho nghệ thuật.

Có những cuộc ra đi khiến người ta rơi nước mắt. Có những cuộc ra đi để chạy trốn số phận, khỏi những nỗi buồn đau. Có những cuộc ra đi vì danh vọng, tiền bạc. Tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều nghệ sĩ khi họ chuyển dịch đời sống của mình. Và tôi hiểu, những cuộc ra đi thường nhiều nước mắt hơn niềm vui. Còn Lê Vi, điều gì đủ sức kéo chị ra khỏi hào quang của sự nổi tiếng, của danh vọng lúc đó, để trở về làm một người phụ nữ đời thường.

Để hôm nay, chị ngồi nói chuyện với tôi bằng sự nhẹ nhõm và an nhiên lạ lùng. Chị nói, vì chị lựa chọn gia đình. Nhưng tôi hiểu, tận sâu trong chị, đó là tâm thế của một người làm nghệ thuật không vì danh tiếng. Chị đến với múa bằng đam mê và chị đã sống, đã dấn thân cho nó một cách trọn vẹn. Tôi tin Lê Vi. Sự trong sáng, thuần khiết của tâm hồn chị, khi chị múa, hay cả khi chị ghé chân qua điện ảnh. Lê Vi làm nghề hoàn toàn bằng bản năng và đam mê. Và nghệ thuật đã công bằng trả lại chị những giải thưởng danh giá khi Lê Vi còn rất trẻ.

Một solid múa nhiều năm gần như không có ai thay thế ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Và điện ảnh, dù chỉ ghé qua như một cuộc dạo chơi, Lê Vi cũng dành giải diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Cây bạch đàn vô danh tại Liên hoan phim lần thứ 11. Thế nên, khi đã sống trọn với nghề hơn 20 năm, chị rời khỏi nó một cách nhẹ nhõm.

Lúc đó, Lê Vi lấy chồng hơn 10 năm, chồng Lê Vi là người Pháp, yêu và mê đắm văn hóa Việt. Anh làm chủ một gallery nổi tiếng ở Hà Nội những năm 1994-1995, với mong muốn trở thành một địa chỉ quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nhưng rồi, thời cuộc đổi thay, công việc làm ăn khó khăn. Hai vợ chồng Lê Vi trăn trở trước những lựa chọn. Lê Vi nói, chị không thể ích kỷ chạy đuổi theo niềm đam mê của mình. Chị tôn trọng sự lựa chọn của chồng. Bởi sống ở đâu, thì hạnh phúc gia đình cũng là điều quý giá nhất đối với chị. Lê Vi quyết định cùng chồng sang Pháp định cư với hai bàn tay trắng. Lúc đó chị đang là solid của nhà hát, sở hữu nhiều giải thưởng lớn của múa và điện ảnh.

Nhiều người nghĩ, chắc Lê Vi sẽ buồn đau lắm, bởi khi đã chạm tay tới hào quang, người ta rất khó khăn để từ bỏ nó. Thế mà dường như với Lê Vi, mọi thứ cứ nhẹ như không. Vì chị không coi trọng danh tiếng, chị làm nghệ thuật như bản năng, như hơi thở. 20 năm, trọn vẹn với múa, có lẽ là quá đủ. Đời múa ngắn ngủi. Sự ra đi của chị, cũng là cơ hội để cho rất nhiều thế hệ trẻ trưởng thành.

“Thực ra khi làm nghệ thuật, ai cũng muốn giữ vị trí của mình, thậm chí bằng mọi giá, còn tôi, tôi coi mọi thứ rất nhẹ bởi tôi sợ sự ồn ào. Tôi ra đi đã tạo dựng được rất nhiều thứ, cho gia đình, cho các em trẻ có cơ hội và có lẽ, điều quan trọng là công chúng sẽ luôn nhớ tiếc. Tôi nghĩ mình đã làm nghề một cách trọn vẹn, vì thế không bao giờ ân hận vì đã ra đi”.

{keywords}

Lê Vi và gia đình nhỏ của chị.

 

Một Lê Vi mang vẻ đẹp thuần chất Á Đông trên sân khấu. Một Lê Vi mong manh, vào vai tự nhiên như hơi thở. Dấu ấn của Lê Vi không trộn lẫn. Thế nhưng, ngồi với chị hôm nay, để cảm nhận một Lê Vi nhẹ nhõm, an nhiên trong đời. Ngay cả khi đứng trên danh tiếng, thì chị cũng coi nhẹ danh tiếng, chị hiểu mọi thứ rồi cũng phù du mà thôi. Lê Vi chưa giờ coi đó là đích đến của cuộc đời mình.

Cuộc đời Lê Vi đã bước sang một trang khác. Chị ngần ngại không muốn lên báo, bởi lâu lắm rồi, chị đã rời xa đời sống nghệ thuật. Cánh cửa ngoài kia đã khép lại. Những ước vọng, những giấc mơ cũng đã ngủ yên. Chị trọn vẹn là người phụ nữ của gia đình, của niềm vui sống giản đơn, bình dị.

Ba năm rồi, chị mới về lại Việt Nam cùng gia đình. Lê Vi nhẹ nhõm, trong hạnh phúc đời thường của mình. Tôi ngồi trò chuyện cùng chị trong ngôi nhà ký ức ở 20 Phan Đình Phùng, nơi bố mẹ và gia đình chị gái Lê Khanh vẫn sống ở đó. Chồng Lê Vi đi xe máy chở cậu con trai lang thang phố Hà Nội. Con gái thứ 3 của chị cũng sắp thành thiếu nữ. Một hạnh phúc tròn trịa được khéo léo gìn giữ. Lê Vi làm nghệ thuật. Nhưng chị luôn tỉnh táo để lựa chọn trước những ngã rẽ của cuộc đời. Sau cái vẻ mong manh, yếu mềm của chị, ẩn giấu một sự quyết liệt, mạnh mẽ.

Chị nói, điều đó giúp chị đứng vững trước những biến cố của đời sống. Và quan trọng hơn, để chị được chạm tay vào hạnh phúc. Đó là tình yêu của người đàn ông chị chọn và các con. Chị muốn các con trở về Việt Nam thường xuyên để sống và cảm nhận cuộc sống của quê hương. Gia đình chị rong ruổi đến nhiều vùng miền, từ Sa Pa, Đà Nẵng, rồi lang thang trong các miệt vườn Miền Tây, thăm và cảm nhận những sắc màu văn hóa khác nhau của những vùng quê.

Lê Vi nói: “Tôi luôn muốn giữ gốc gác quê hương trong tâm hồn các con để sau này lớn lên, các con có một nơi chốn để trở về”. Chị không chọn những khách sạn, hay những villa sang trọng để ở, mà giản dị vậy thôi, chị muốn các con được hòa mình vào cuộc sống của người dân, để cảm và hiểu. Tôi nhìn thấy hạnh phúc có thật trong đôi mắt đẹp của chị.

Nhưng ở đâu đó, trong tiềm thức của chị, sau những bổn phận đàn bà, sau tiếng cười trọn vẹn của con trẻ, ở xứ người, vẫn có một nỗi nhớ dành cho nghệ thuật. Không phải là những hào quang, danh tiếng. Mà nỗi nhớ của niềm đam mê, chị đã sống, đã cống hiến. Nỗi nhớ nén sâu trong tâm hồn chị, vì cuộc sống, vì các con.

Năm 2012, đạo diễn Đỗ Thanh Hải mời chị trở lại trong bộ phim về những người xa xứ Hai phía chân trời. Lúc đó, chị không còn sự háo hức để làm nghề nữa. Nhưng khi đã vào vai diễn thì chị quên hết. Con người bản năng của chị sinh ra vốn dành cho nghệ thuật, và với nó, chị luôn được thăng hoa.

Lần nào trở về Việt Nam, chị và Lê Vân, Lê Khanh cũng tản bộ ra Bờ Hồ chụp ảnh, rồi lang thang ra Hàng Đào, Hàng Gai chọn quà lưu niệm. Những bức ảnh đổi thay theo năm tháng. Nhưng với Lê Vi, đó là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Ba chị em gái nhan sắc, tài hoa, mỗi người một ngã rẽ khác nhau của số phận.

Có lẽ trong 3 chị em, Lê Vân, Lê Khanh, thì Lê Vi có cuộc sống yên hòa nhất. Chị không bị áp lực bởi trót được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng. 5 con người trong gia đình chị là 5 cá thể độc lập, từ NSND Trần Tiến, nghệ sĩ Lê Mai, rồi Lê Vân, Lê Khanh, họ đều đi lên và tỏa sáng bằng chính tài năng của mình.

Mỗi người có những thành công riêng trong lĩnh vực của mình để tạo nên thành công chung của một gia đình nghệ thuật. Không ai hỗ trợ ai, nhưng cũng không ai lấn sân của ai. Mỗi người là một cá tính sáng tạo không trộn lẫn. Ngay cả Lê Vân làm nghề múa, thì Lê Vi cũng không nhận được sự giúp đỡ hay ưu ái nào của chị gái. Những gì Lê Vi có được đều là nỗ lực và đam mê của chị, một dấu ấn Lê Vi không trộn lẫn. Nên chị tự hào và hãnh diện vì điều đó.

Lê Vi có một ngôi nhà bình yên ở một thành phố tĩnh lặng Amboise của Pháp. Chị thích sự tĩnh lặng đó. Chị sang Pháp không phải để đi tìm một cuộc sống phù hoa. Chị yêu vùng đất yên tĩnh, thơ mộng đó, nó cũng mát lành và trong trẻo như tâm hồn chị. Chị yêu khu vườn quanh năm hoa trái. Ở một góc nhỏ, chị trồng cây đào, để mỗi năm, đến tết cổ truyền, chị có thể mang không khí tết vào nhà. Lê Vi mê thiết kế.

Công việc hàng ngày của chị tẩn mẩn và quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ ấy. Nhưng chị thấy vui và hạnh phúc. Ở đó, dấu ấn của bàn tay người phụ nữ trong từng góc của ngôi nhà, chị giữ được nếp sống thuần Việt trong từng bữa ăn, trong cách ứng xử và trò chuyện cùng con cái, trong cả mâm cỗ ngày tết. Các con của Lê Vi đều nói giỏi tiếng Việt, và hiểu về văn hóa Việt Nam.

Với Lê Vi, thì dù có sống ở Pháp 10 năm hay 20 năm, thì tâm hồn thuần hậu, giản dị của chị cũng không bao giờ thay đổi. Có bao giờ chị thấy cô đơn, có bao giờ chị có cảm giác của một người xa xứ chỉ ở trọ trên mảnh đất ấy. Lê Vi cười. Chị không có thời gian để buồn, để cô đơn. Bởi chị biết thu vén cuộc sống và tìm niềm vui từ những điều giản dị. Và hơn hết, chị không có quá nhiều nhu cầu cho bản thân. Niềm vui của chị là niềm vui của các con, sự ấm áp của gia đình, chị cảm nhận nó đang hiện diện bên chị khi mỗi sớm mai thức dậy. Mọi tham sân si dường như được để lại ngoài kia cánh cửa.

Trong một góc quán nhỏ, những solid trong nghề múa cách Lê Vi hàng chục tuổi, có người đã giải nghệ, tổ chức một cuộc gặp mặt dành cho chị. Những cái ôm rất chặt. Chị về Việt Nam bao giờ cũng lặng lẽ. Thế mà, mọi người vẫn biết và chờ đón. Hạnh phúc đó, đâu dễ có trong cuộc đời. “Có lẽ đó là những điều quý giá trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, dù tôi đã đi rất xa, đã bước sang một ngã rẽ khác của cuộc đời”. Tôi nhìn thấy chị rơm rớm nước mắt.

Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng