Giếng làng xuất hiện ở nhiều nơi nhưng không nơi đâu lại nhiều như ở 2 xã Yên Sở và Đắc Sở vốn là làng Kẻ Giá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trước đây.

Nằm ven bờ sông Đáy, xưa kia, đây là vùng phát triển kinh tế khá sầm uất. Người dân không chỉ tự hào về sự phát triển kinh tế mà họ còn có những di tích đặc biệt, thông qua câu nói: “Đình không xà, làng có 73 giếng”.

{keywords}
Giếng cổ nay không còn sử dụng, đã được phủ bề mặt để bảo vệ.

“Đình không xà” là ngôi đình lớn của làng Kẻ Giá xưa, rộng hơn 500m2 được dựng bởi 50 chiếc cột lớn.

Điều đặc biệt là những cột này đều không có mối đục nào của xà để nối lại. Các cột dựng đứng, mái gác lên đỉnh cột tạo nên một ngôi đình hoành tráng, uy nghi. Nhiều năm về trước, do chiến tranh, ngôi đình đã bị đốt phá.

Tuy đình không còn nhưng làng vẫn may mắn gìn giữ được những chiếc giếng cổ. 73 chiếc giếng nằm rải rác khắp ngôi làng. Mỗi giếng đều có cấu tạo giống hệt nhau.

Ở dưới đáy giếng là 2 phiến gỗ lim chắc chắn. Trải qua thời gian dài, các phiến gỗ lim vẫn không hề bị mủn, hư hỏng.

Từ phiến gỗ lim này, người xưa đã xếp các phiến đá lên theo hình tròn để tạo thành chiếc giếng. Các phiến đá đều không dùng hồ, vữa gắn kết mà vẫn chắc chắn.

Mỗi giếng hàng chục phiến đá, người dân có thể dùng tay bám vào những phiến đá này để lên xuống dễ dàng.

{keywords}
Anh Thanh bên một trong 73 chiếc giếng cổ của làng.

Anh Thanh (người dân ở xóm 1, xã Yên Sở) chia sẻ: “Người ta có thể lay các phiến đá này. Tuy nhiên nó không hề bị rơi ra, nhiều năm vẫn tạo thành một khối vững chắc. Hai phiến gỗ lim được lý giải là điểm chặn, giúp các phiến đá phía trên không bị lún sâu xuống đất”.

Giếng đã trở thành một phần không thể thiếu với người làng. Người dân thường đến gánh nước về dùng nấu ăn, sinh hoạt. Chiều chiều, phụ nữ giặt đồ và trẻ con có thể tắm ngay bên giếng.

Người dân ở đây cho biết, họ thường phải dậy sớm để gánh nước bởi nếu đến muộn, nước sẽ không còn. Nước của giếng nổi tiếng trong, mát vào mùa hè và rất ấm vào mùa đông. Người làng còn khẳng định, trẻ con bị rôm sẩy tắm nước giếng đều hết.

{keywords}
Hiện, chỉ còn vài giếng còn được sử dụng.

73 giếng nước đã trở thành nơi cung cấp nước chính cho người dân cả một vùng. Làng Đắc Sở còn có đặc sản là món bánh gio. Họ cho rằng, điều làm nên vị thanh mát đặc biệt của món bánh chính là nguồn nước lấy từ các giếng cổ.

Khá kỳ lạ là 73 giếng đều có một miếu nhỏ bên cạnh. Người xưa tin rằng, giếng nào cũng có thổ địa nên họ lập miếu, chăm sóc chu đáo. Vào các ngày Rằm hay mùng 1, người dân đều đến thắp hương xin bình yên, may mắn trong cuộc sống.

Ngày nay, các nhà đều có giếng khoan và dùng nước máy nên chỉ còn lại vài giếng làng giữ được công năng sử dụng.

{keywords}
 
{keywords}
Bên cạnh mỗi giếng đều có miếu nhỏ - nơi người dân đến cầu bình an vào các ngày Rằm, mùng 1.

Ông Ngũ Chí Luyện (66 tuổi) trưởng xóm 1 xã Yên Sở, cho biết, ông không biết các giếng cổ có từ bao giờ. Thời cụ, kị của ông đã thấy xuất hiện giếng. Tuổi thơ của ông Luyện cùng những đứa trẻ ở làng đều gắn liền với chiếc giếng này.

Ngày nay, khi giếng không còn nhiều công năng sử dụng, người làng vẫn dành cho nó một tình cảm đặc biệt. Ở nhiều giếng, họ xây gạch, làm chắn thép để bảo vệ giếng và tránh trẻ con sẩy chân ngã xuống.

Người làng vẫn thường xuyên tiến hành nạo vét, tôn tạo giếng và quét dọn quanh khu vực nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích của làng.

“Trước đây, khi còn sử dụng nước, chúng tôi đều tiến hành làm vệ sinh đáy giếng định kỳ. Ngày nay, khi không còn dùng nước giếng, người làng vẫn gìn giữ khu vực giếng sạch sẽ, cẩn thận”, ông Luyện nói.

Theo ông, giếng làng là nơi họ tụ họp, gắn kết tình cảm sau những buổi làm đồng mệt nhọc. Ngày nay, nó vẫn rất quý giá bởi lưu giữ nhiều kỉ niệm của người dân ở làng.

Chuyện về pho tượng bằng gỗ trầm hương dát vàng trong chùa cổ ở Thái Bình

Chuyện về pho tượng bằng gỗ trầm hương dát vàng trong chùa cổ ở Thái Bình

Chùa Keo (Thái Bình) gắn liền với câu chuyện về cuộc đời Thiền sư Không Lộ thời nhà Lý và bức tượng bằng gỗ trầm hương dát vàng.

Ngọc Trang - Diệu Bình