NSƯT Phượng Hằng tên thật là Dương Phượng Hằng, sinh năm 1967 tại Đồng Tháp. Chị nổi tiếng trong giới cải lương bởi sở hữu làn hơi dài đặc trưng, ghi dấu ấn qua các tác phẩm như: Vụ án Mã Ngưu, Sóng gió cuộc đời, Chiến công thầm lặng, Giọt lệ đài trang, Bông ô môi...
NSƯT Phượng Hằng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Chị gái là Phượng Mai, anh trai là Minh Tiến, đều là diễn viên của đoàn hát Tỷ Phượng - nơi cha của nữ nghệ sĩ làm việc.
Làn hơi dài thiên bẩm và sự rèn luyện công phu
Năm 16 tuổi, Phượng Hằng rời đoàn hát Tinh Hoa, lần lượt gia nhập các đoàn hát Tây Ninh 3, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Hậu Giang 1, từng hát chung với các danh ca Minh Cảnh, Phương Bình, Linh Vương…
Cách ca vọng cổ dài hơi của Phượng Hằng rất độc đáo, ca nhồi từng chữ, có chữ kéo dài rồi luyến láy trầm bổng, khi thì giọng ca cao vút, lúc lại ngọt ngào, lạ tai.
Năm 1987, chị gia nhập gánh hát cải lương Trung Hiếu, cùng với nghệ sĩ Châu Thanh hợp thành đôi diễn viên ca vọng cổ dài hơi ăn khách nhất trong những năm 80, đến nay vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Lúc nữ nghệ sĩ được mời về cộng tác với đoàn hát Trần Hữu Trang, ngoài giọng ca thiên phú và kỹ thuật ca điêu luyện, Phượng Hằng bỏ lối ca dài hơi ở đoàn Trung Hiếu, chị hoàn thiện kỹ thuật, ca rõ chữ, giữ mạch văn làm nổi bật nội dung câu vọng cổ nên nhanh chóng tiến bộ trong nghệ thuật diễn xuất.
Đường nghệ thuật nhiều trắc trở
NSƯT Phượng Hằng từng ca một câu dài nhất là 120 chữ, song cũng có những câu chỉ 100 chữ. Theo nữ nghệ sĩ, có câu chị chỉ hát khoảng 50 chữ, nhưng đòi hỏi luyến láy nhiều khiến người nghe thích thú. Trong chương trình Khoảnh khắc rực rỡ, khi được hỏi việc có thể hát mấy trăm chữ một hơi, giọng ca 6X vui vẻ đùa: "Ôi đừng nói mấy trăm chữ".
Nữ danh ca chia sẻ rằng gia đình là động lực chính giúp chị cố gắng khi mới vào nghề. Những thách thức từ người thân, đặc biệt là anh trai và chị gái đã thúc đẩy Phượng Hằng theo nghề.
“Hồi nhỏ đi tỉnh hát đào con, tôi hay nghe những vở tuồng phát thanh cuối tuần áp dụng vào vai Ngọc Thố. Ca chỉ còn 1 chữ nữa mà bị đứt hơi. Sáng đó, tôi không dám đi ra chợ ăn. Mẹ chị nói ai lúc đầu không vấp ngã, vấp ngã rồi đứng lên đừng nhụt chí bỏ luôn”, nữ nghệ sĩ trải lòng.
Cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Phượng Hằng chính là vai diễn Phượng trong vở Sóng gió cuộc đời. Lần đầu đứng trên sân khấu chị hồi hộp, lo sợ rằng khán giả sẽ không đón nhận. Chia sẻ với truyền thông, chị cho hay: “Không phải ai cũng ca hơi dài được và không phải câu vọng cổ nào cũng nên ca hơi dài. Tôi thường áp dụng ca vọng cổ hơi dài vào những tình huống vui, nhiều năng lượng”.
Trích đoạn “Giọt lệ đài trang”
Những năm 90, khi nghỉ hát ở đoàn thành phố do giải thể, mẹ và anh đều bệnh nên trọng trách trụ cột kinh tế đặt lên vai Phượng Hằng. Giai đoạn khó khăn cũng qua đi và chị quay lại hát cho đoàn tỉnh. Sau nhiều năm tích góp, chị mua được căn nhà nhỏ ở khu Bàn Cờ, Quận 3, sau vài lần chuyển nhà, giờ cuộc sống đã ổn định hơn.
Năm 1992, Phượng Hằng giành Huy chương Vàng tại giải Trần Hữu Trang. Đến năm 1996, chị tiếp tục được vinh danh với Huy chương Vàng cho Diễn viên xuất sắc cùng giải thưởng. Năm 2011, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Vào năm 2012, Phượng Hằng nhận giải thưởng HTV trong hạng mục Nghệ sĩ cống hiến.
Năm 1995, nghệ sĩ Phượng Hằng kết hôn cùng với đạo diễn Hiền Phương và có hai con Thiện Phúc (1997) và Phương Lam (2005). Cả hai vợ chồng đều hoạt động nghệ thuật nên ông xã rất hiểu và tôn trọng nghề của vợ, thay phiên nhau quán xuyến gia đình. Khi chị bận rộn, con trai phụ mẹ đón em tan học và lo việc nhà.
Tổ nghề và ông trời đã ban cho chị cơ hội được đứng trên sân khấu, nên Phượng Hằng luôn biểu diễn với tất cả đam mê và nhiệt huyết, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Sau khi hoàn thành vai trò nghệ sĩ, chị trở về nhà, làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Vì thường xuyên đi diễn, chị muốn dành trọn thời gian rảnh rỗi cho gia đình.
Ảnh: Tư liệu