Tôi là người có trí nhớ không tốt. Có những chuyện vừa xảy ra có khi tôi quên ngay. Có hôm đi làm tôi phải quay về nhà vài ba bận vì hết quên cái này lại quên cái nọ. Thế nhưng có những việc, những hình ảnh, những câu nói... đã trở thành quá vãng dưới lớp bụi thời gian thì tôi lại mãi mãi không quên được.

Những hình ảnh đó cứ hằn sâu trong trí óc tôi, như những vết sẹo ngọt ngào mà tôi không bao giờ muốn nó lành lại. Đó là những hình ảnh gắn với cha tôi, gắn với tuổi thơ của tôi. Tuổi thơ đói khổ nhưng thương nhớ đến vô cùng.

Trong kí ức của tôi, cha tôi là người trầm lặng. Cũng có lúc ông nói nhiều, có lúc cáu bẳn nhưng điều đó chỉ xảy ra rất ít, vào những lúc công việc làm ông quá mệt mỏi.

Mọi người trong làng đều bảo cha tôi là người hiền lành. Tôi cũng nghĩ thế. Ông chưa bao giờ đánh con cái đủ đau để chúng tôi có thể bật khóc hay sợ hãi. Tức giận lắm ông cũng chỉ nẹt vào mông con được một cái. Cũng may, ông có bốn đứa con trai, tuy không đứa nào thuần tính, nhưng đều được học hành tử tế, lại thương cha, thương mẹ nên không bao giờ vô phép, hỗn láo với ông.

Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần gây sự đánh nhau với bạn bè, không may bị chúng nó đấm cho tím mày, tím mặt, cha tôi cũng chỉ xuýt xoa một tí, không bao giờ đứng ra bảo vệ. Những lúc như thế tôi rất giận cha. Vì trong hình dung của tôi, người cha phải là chỗ dựa vững chắc cho con cái, là bức tường thành để con núp bóng, là người sắp đặt cuộc sống, chỉ đường, chỉ lối cho các con... Cha tôi thì không thế, ông không chỉ hiền lành, ít nói, lại còn có phần vụng về, không khéo lo toan. Nhiều lúc tôi rất thất vọng và cảm thấy mình có phần thua thiệt so với bạn bè.

Lớn lên, tôi sống xa nhà, rồi thi vào đại học. Mặc dù cha tôi không nhớ rõ tên trường tôi học, nhưng ông lại hết sức tự hào về việc tôi thi mãi rồi cũng đỗ đạt. Ông đi khoe khắp làng...

Mỗi lần tôi đi học xa, rồi sau này là đi làm xa, ông đều dậy sớm, ra ngõ đón vía, rồi đi theo tôi ra con đường cái đầu làng. Khi cha con ngồi đợi xe, ông lôi thuốc lào ra hút, vẫn cứ trầm ngâm như thế, dáng ông lẫn vào bóng tối. Khi tôi chào ông để bước lên xe, chỉ nghe thấy có một tiếng: “Ừ...”.

Ông không nói gì thêm, không dặn tôi đi đường cẩn thận, không bảo tôi giữ gìn sức khỏe, cũng không dạy tôi đi ra phải sống thế nào cho hợp lòng người... Xe chạy khuất rồi tôi vẫn cứ hình dung ra dáng cha tôi bần thần đứng trong bóng tối, rồi lủi thủi đi vào làng.

Lúc anh em tôi lớn khôn, trưởng thành, có gia đình riêng, mỗi lần về Tết, cha tôi đều mừng vui khó tả. Tôi thấy ông tất tưởi hơn ngày thường, đi ra đi vào. Có khi ông đi cả buổi mới về. Mẹ tôi hay phàn nàn về thói lê la của ông. Chúng tôi cũng chẳng biết ông đi những đâu.

Sau này tôi mới biết, những lúc mẹ con tôi tưởng ông “lê la” đâu đó là những lúc ông đi thăm anh em, họ hàng xa - những người mà chỉ những khi nhà có chuyện buồn, họ đến thăm viếng, chúng tôi mới biết đến họ.

Ngày Tết cũng như ngày thường, buổi sáng cứ tầm 4 - 5h là ông đã dậy. Ông kéo vài điếu thuốc lào, đằng hắng mấy tiếng, rồi lấy cái chổi kè trơ xương “mài” xuống sân gạch: “quẹt, quẹt...”. Chúng tôi đang ngon giấc, bỗng dưng bị đánh thức, rất bực mình. Không những thế ông còn vừa hò vừa mắng từng đứa: “Mấy thằng có dậy không? Thằng Bường có dậy không. Thằng Sương, thằng Khương có dậy không? Bảnh mắt ra rồi còn nằm...”.

Cha tôi là thế đấy... Ông cứ khiến chúng tôi vừa thương vừa bực. Nhất là những lúc đang thèm ngủ. Thế rồi khi ông mất, giao thừa đầu tiên không còn cha, buổi sáng tôi nằm trên giường, chờ mãi một tiếng gọi, một tiếng chổi kè quèn quẹt ngoài sân, chờ tiếng cha mắng chửi. Chờ mãi... chờ mãi... mà chỉ thấy lặng yên. Nước mắt cứ thế ứa ra...

Nghe bác tôi kể, lúc bé cha được ông bà cho học hành chu đáo, nhưng rồi cải cách ruộng đất, người ta quy ông bà tôi lên địa chủ, tài sản của ông bà mất hết, cha tôi không được đi học nữa. Sau này tôi hỏi bác tôi: “Ông bà nhà mình có giàu không bác?”. Bác tôi tôi cũng trầm ngâm: “Gọi là phú nông nhưng có sung sướng gì đâu cháu. Cả đời lăn lưng ra làm, chắt chiu, tích góp, thấy nhà nào bỏ ruộng, bán ruộng thì mua. Mua rồi lại cho người ta đến làm, lại trả cơm, trả gạo cho người ta nuôi con. Gọi là phú nông nhưng tài sản chỉ có vài gian nhà, mấy cái mâm đồng, dăm cái cối đá...”.

Tôi không hình dung ra hết gia cảnh của ông bà tôi thời đó nhưng tôi liên tưởng từ cuộc sống của cha mẹ tôi, của những người nông dân quê tôi, làm ruộng không thuê, không mướn mà cả đời đói khổ thì ông bà tôi xưa kia lấy gì để gọi là giàu có. Ấy vậy mà...

Tại sao tôi lại muốn nhắc đến chuyện này. Bởi tôi hình dung, nếu không có những “nhầm lẫn” đó, nếu ông bà tôi không bị người ta quy chụp, đấu tố. Nếu cha tôi không phải chịu một cú sốc tinh thần từ thời niên thiếu, thì liệu ông có khác, có bớt trầm ngâm và thờ ơ với thế thái nhân tình, với những đua tranh của thời cuộc? Tôi có mong ông khác đi. Nhưng không bao giờ xấu hổ về sự lựa chọn của cha mình. Vì thế tôi vẫn luôn tự hào được là con của ông.

Ngày cha tôi mất, tôi đang ở Tây Bắc. Sáng hôm ấy tôi dậy sớm, trời không mưa... Khi tôi về đến nhà thì đã là cuối chiều, lúc sắp đến giờ khâm liệm cho cha. Ông vẫn nằm bình thản trên chiếc giường bên góc phải gian nhà. Tôi nắm lấy tay cha. Tay cha tôi lạnh ngắt...

Tôi mong có một phép màu nào đó cho ông được ở lại với tôi dù chỉ là là chốc lát. Để tôi được ở bên cạnh ông lúc ông đau, để ông cảm thấy trước khi từ giã cõi đời ông không hề cô đơn, vì ông có đến bốn thằng con trai rất thương kính ông. Nhưng điều đó là không thể. Bốn anh em tôi đã không có mặt lúc cha tôi cần đến chúng tôi nhất. Đó mãi là điều sẽ day dứt suốt đời tôi.

Đêm tôi nằm khóc cạnh quan tài của cha. Tất cả những hình ảnh về ông lần lượt hiện về rất rõ trong trí nhớ của tôi. Tôi thấy rõ dáng ông đang đạp xe chở tôi đi tắt cách đồng xuống làng ngoại ăn cỗ. Ông đạp chậm, tiếng xe cọc cạch. Tôi ngồi sau, ôm chặt lấy lưng cha. Cha đã chở tôi đi rất nhiều, rất nhiều lần như thế... Có lúc là sáng sớm, có lúc là giữa trưa và thường về trong bóng chiều chạng vạng.

Tôi chợt nhận ra, nếu cộng dồn hết quãng đường ông đã cho tôi ôm lấy lưng ông chắc đủ để tôi không còn cảm thấy thiệt thòi vì không có một người cha đủ lớn để tôi dựa dẫm.

Cho đến giờ, khi đã đi nửa đời người, khi luôn phải lăn lộn mưu sinh mà không oán thán tôi mới hiểu thứ mà cha tôi để lại cho tôi là gì. Cha đã để lại cho chúng tôi cái phúc của một đời người không thích bon chen, tranh cướp.

Cha để lại cho chúng tôi sự bình thản của một con người trước những biến cố, đau thương. Cha để lại cho chúng tôi kí ức đói khát để chúng tôi biết tự đứng lên kiếm sống bằng đôi chân, khối óc của mình. Và ông còn để lại cho chúng tôi nỗi đau, nỗi thiếu vắng không gì bù đắp nổi khi không có cha...

Đặng Khương

Mẹ tôi, người đàn bà một đời tần tảo, bình dị, thủy chung

Mẹ tôi, người đàn bà một đời tần tảo, bình dị, thủy chung

Cả cuộc đời mẹ đã cùng với bố xây dựng một gia đình yên ấm, bình dị, cùng nhau nuôi dạy các con khôn lớn, khỏe mạnh, được học hành.