Thời gian gần đây, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài các tâm dịch cũ như một số tỉnh phía Nam, dịch cũng lan rộng ở nhiều tỉnh thành khác, trong đó có các TP lớn ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Trước tình hình số ca bệnh tăng nhanh, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai cho F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, giải pháp cho F0 điều trị tại nhà sẽ giúp giảm tải bệnh viện, huy động được nguồn lực xã hội trong việc đảm bảo hậu cần và cung cấp tiện nghi tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, để đạt được những ích lợi đó, hệ thống y tế cần đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết.

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Thạch Thảo

Bác sĩ Cấp cho biết, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo việc điều trị F0 tại nhà phải đảm bảo cho tất cả bệnh nhân được chăm sóc y tế tốt, không phải để người dân tự do trong cộng đồng, không được chăm sóc và theo dõi.

Bác sĩ phân tích, mỗi chiến lược điều trị F0 tập trung hay điều trị tại nhà đều có ưu nhược điểm riêng.

Điều trị F0 tập trung có ưu điểm là chỉ cần ít nhân viên y tế cũng có thể theo dõi, điều trị được rất nhiều F0 nhẹ. Việc theo dõi sát, phát hiện sớm các diễn biến tăng nặng và vận chuyển cấp cứu bệnh nhân đến bệnh viện cũng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, do người bệnh phải đi cách ly tập trung nên không có được sự chăm sóc, động viên của người thân. Bên cạnh đó, nhìn chung hạ tầng các khu cách ly tập trung khó đem lại sự thoải mái cho người bệnh bằng ở gia đình.

Khi triển khai điều trị tại nhà, bệnh nhân Covid-19 được hưởng sự thoải mái cao hơn. Nhưng việc theo dõi sát các diễn biến của người bệnh, đảm bảo cách ly phòng tránh lây nhiễm sẽ khó khăn hơn, vì vậy làm gia tăng rất nhiều công việc mà hệ thống y tế cơ sở phải gánh vác.

"Nếu nhà ở của F0 không đủ điều kiện, việc tuân thủ các biện pháp cách ly không đảm bảo có thể dẫn đến nguy cơ lây lan sang thành viên khác cùng gia đình, thậm chí gây bùng phát ổ dịch ở trong xóm, ấp đó", bác sĩ Cấp cho hay.

Theo bác sĩ, để điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả cao, cần có mạng lưới y tế cơ sở đủ mạnh, điều kiện nhà ở bệnh nhân đủ tốt, hạ tầng giao thông khu vực đảm bảo cho xe cứu thương tiếp cận dễ dàng khi cần. Bên cạnh đó, việc cung cấp hậu cần cho những gia đình bị cách ly do có F0 điều trị tại nhà cũng phải được đảm bảo đầy đủ.

Ngược lại, nếu y tế địa phương không “gánh vác” nổi việc điều trị F0 tại nhà cũng như không kiểm soát được lây nhiễm trong gia đình và nội khu, số F0 sẽ tăng rất nhanh, cộng với chăm sóc ban đầu không tốt có thể làm gia tăng số lượng bệnh nhân nặng lên rất nhiều.

Điều đó tất yếu dẫn đến quá tải bệnh viện, quá tải ở các đơn vị ICU, đi ngược với mục tiêu điều trị F0 tại cộng đồng để giảm tải cho cơ sở y tế.

{keywords}
Một F0 tại TP.HCM được chăm sóc, điều trị tại nhà - Ảnh: Tú Anh

“Triển khai điều trị F0 tại nhà phát huy hiệu quả nhất khi lực lượng y tế cơ sở đủ mạnh, kiểm soát được tình hình chứ không phải là giải pháp có thể làm nhẹ gánh cho bệnh viện khi quá đông không thể tiếp nhận hết được bệnh nhân.

Mọi vấn đề đều có 2 mặt. Mỗi địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đáp ứng của bệnh viện, của y tế cơ sở, điều kiện thực tế của từng gia đình F0 để đưa ra lựa chọn điều trị tập trung hay tại nhà sao cho hiệu quả nhất”, bác sĩ Cấp nói.

Cụ thể, tổ trưởng dân phố và các tổ Covid-19 cộng đồng phải giám sát việc tuân thủ cách ly tốt, đảm bảo không lây nhiễm sang hàng xóm, khu dân cư. Các bệnh nhân Covid-19 cần được đánh giá đủ điều kiện mới nên để điều trị tại nhà và y tế cơ sở phải đảm bảo theo dõi tốt .

Khi F0 trở nặng, y tế cơ sở phải hỗ trợ và đưa họ tới bệnh viện kịp thời. Nếu hệ thống cấp cứu không đảm bảo được trong tình huống đó, nguy cơ diễn biến nặng và tử vong cho bệnh nhân sẽ cao.

Bên cạnh đó, bác sĩ Cấp cũng nhấn mạnh, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 làm giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm tỷ lệ diễn biến nặng. Bởi vậy, những địa phương đã tiêm vắc xin đầy đủ có thể tự tin triển khai điều trị F0 tại nhà rộng rãi hơn.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà sáng 7/12 thông tin, sơ bộ đã có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, chủ yếu nằm ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông. Hiện 16 quận, huyện đã triển khai thu dung, điều trị F0 tại các trạm y tế lưu động, 14 quận huyện còn lại đang hoàn thiện để triển khai ngay.

TP triển khai phần mềm kết nối đến các trạm y tế lưu động, tổng đài 1022, hệ thống nhắn tin tự động đề nghị F0 điều trị tại nhà khai báo thông tin sức khoẻ của mình ngày 2 lần. Nếu có thông tin về triệu chứng Covid-19 thì sẽ có nhân viên y tế đến thăm khám và phát thuốc.

Ngoài lực lượng y tế, Hà Nội cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà. Đây chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội phụ nữ, y tế học đường… để giảm tải áp lực cho ngành y tế.

Ngày 7/12, UBND TP Hải Phòng cũng ban hành phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19.

Phạm vi áp dụng phương án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 4 - 10/12, thí điểm điều trị F0 đối với 10 trạm y tế lưu động tại 4 xã của huyện Tiên Lãng và 5 trạm y tế lưu động thuộc 2 phường Thượng Lý và Sở Dầu thuộc quận Hồng Bàng. Giai đoạn 2, từ ngày 10/12, triển khai thành lập Trạm y tế lưu động ở tất các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố. Trước mắt mỗi xã, phường, thị trấn có 1 Trạm y tế lưu động.

Các quận, huyện kích hoạt Trạm y tế lưu động tổ chức quản lý F0 tại nhà; can thiệp kịp thời khi có diễn biến xấu về sức khỏe F0 trong lúc chờ đưa đi bệnh viện.

Nguyễn Liên

F0 cách ly, điều trị tại nhà ở Hà Nội dùng thuốc như thế nào?

F0 cách ly, điều trị tại nhà ở Hà Nội dùng thuốc như thế nào?

Theo Tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà của Sở Y tế Hà Nội, thuốc điều trị cho F0 trên 18 tuổi gồm 3 nhóm là nhóm A, B và C.