Cello Fundamento là chuỗi hoà nhạc quốc tế sáng lập năm 2016 bởi nghệ sĩ, Tiến sĩ Cello Đinh Hoài Xuân với khát vọng lan toả âm nhạc cổ điển rộng rãi đến công chúng Việt Nam. Những lần tổ chức trước, chương trình chỉ mời số ít nghệ sĩ quốc tế tham gia, tuy nhiên Cello Fundamento mùa 6 (CF6) với chủ đề Oceana Đinh Hoài Xuân đã mời cả dàn nhạc quốc tế Romania Bucharest Symphony Orchestra tới Việt Nam để thăng hoa cùng nghệ sĩ Việt. Toàn bộ toàn bộ lợi nhuận của chương trình sẽ dành để trao học bổng cho các tài năng trẻ và cho những dự án vì cộng đồng điển hình như Một triệu bàn tay chạm Cello.

Đinh Hoài Xuân tại buổi họp báo chương trình.

Tại buổi họp báo giới thiệu chương trình, Đinh Hoài Xuân cho biết, sau thời gian tu học tại Romania và lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn cô đã chạm được tới ước mơ là được chơi solo cùng dàn nhạc quốc tế tại mảnh đất quê hương Việt Nam yêu mến. Cô hiện cũng là đại diện danh dự âm nhạc Romania tại Việt Nam. 

Ngoài mời cả dàn nhạc Bucharest Symphony Orchestra tới Việt Nam biểu diễn, Đại sứ Romania Cristina Romila cũng sẽ đồng hành cùng CF6 của Đinh Hoài Xuân.

“Dàn nhạc lần này được đánh giá là uy tín nhất của Romania với sự công nhận của châu Âu cũng như quốc tế. Ngoài ra năm nay cũng kỷ niệm 72 năm quan hệ song phương giữa Romania và Việt Nam, sự có mặt của dàn nhạc là sự đóng góp cao quý, góp phần nâng cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống vốn rất tốt đẹp giữa hai nước. Tôi vinh dự và tự hào khi được đồng hành cùng chương trình này.  

Nhân cơ hội này tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân - Tiến sĩ Cello đầu tiên tại Việt Nam và là Đại sứ âm nhạc của Rumani tại Việt Nam đã góp phần quảng bá âm nhạc cổ điển tới công chúng”, bà Cristina Romila chia sẻ tại buổi họp báo.

Bà Cristina Romila đánh giá, việc mang một dàn nhạc sang sẽ có nhiều khó khăn không chỉ về giấy tờ mà còn tài chính. Nhưng với đam mê và sự nỗ lực thì Đinh Hoài Xuân đã làm được. 

Đại sức Romania (áo dài đỏ) cùng những người thầy, người bạn đồng hành cùng Đinh Hoài Xuân.

“Với tôi đó là một sự kết hôn của Xuân cùng âm nhạc khiến tôi ngưỡng mộ. Như mọi người đã biết Romania là đất nước có nhiều nhà soạn nhạc và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về âm nhạc cổ điển của thế giới. Tôi cũng rất tự hào vì Đinh Hoài Xuân có thể mang dàn nhạc ấy sang Việt Nam biểu diễn cũng như gia nhập gia đình âm nhạc của chúng tôi. Tôi hy vọng Đinh Hoài Xuân có thể đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với nhiều công chúng và với các bạn trẻ”, bà Cristina Romila nói.

Tại CF6, ngoài chơi chính là Đinh Hoài Xuân, chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời như Ciprian Marinescu - nhạc trưởng Dàn nhạc Osaka Nhật Bản và Răzvan Suma - Giáo sư tại ĐH Âm nhạc quốc gia Bucharest, người hướng dẫn luận án tiến sĩ phần biểu diễn cello cho nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân tại Romania và cũng là người đã tham gia chương trình Cello Fundamento concert 2, 3, 4. Đặc biệt, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người gắn bó với nhiều chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi sẽ xuất hiện trong CF6 với tác phẩm chuyển soạn đặc biệt dành riêng cho giọng hát, cello, violin, clarinet, piano, dàn nhạc và dàn hợp xướng. 

Bên cạnh đó, chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Cello Mladen Spasinovici, Cello Ella Bokor và nghệ sĩ piano Iulian Ochescu từ Romania, ca sĩ Tân Nhàn, nghệ sĩ Clarinet Trần Khánh Quang,…

Ca sĩ Tân Nhàn không giấu được niềm vui sướng và tự hào khi tại CF6 cô sẽ thể hiện làn điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam là Bèo dạt mây trôi Đi cấy.

“Biểu diễn những tác phẩm Việt Nam với dàn nhạc quốc tế là một điều vui sướng và tự hào đối với Tân Nhàn. Đây là chương trình tôi rất mong chờ bởi chất lượng nghệ thuật và ý nghĩa vô cùng to lớn. Tôi và Đinh Hoài Xuân đều có khao khát đưa âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống tới gần hơn với công chúng. Đinh Hoài Xuân đã làm được điều đó, tôi thực sự tự hào”, ca sĩ Tân Nhàn chia sẻ.

Ca sĩ Tân Nhàn tự hào và hạnh phúc khi được thăng hoa cùng dàn nhạc quốc gia Romania.

Tổng đạo diễn Lê Quốc Vinh cho biết sân khấu âm nhạc cổ điển thì ánh sáng không được hào nhoáng, không có kỹ xảo phức tạp, không được làm đổ bóng lên bản nhạc, nếu không sẽ làm ảnh hưởng sự tập trung của các nghệ sĩ. ''Khi nhận lời Xuân, tôi phải đọc rất nhiều những tài liệu về thiết kế ánh sáng trong sân khấu của âm nhạc cổ điển. Đây là thách thức vô cùng khó khăn. 

Với kết cấu của những bản nhạc rất quen thuộc như thế chúng ta sẽ tạo nên những cảm xúc bằng những điểm nhấn nhất định. Chúng tôi đang suy nghĩ thêm về việc sử dụng ánh sáng ven, tạo điểm nhấn, nhuộm màu sân khấu và kết hợp chiếu hình ảnh gợi nhớ đến những tác phẩm (phim, nhạc) quen thuộc để truyền cảm hứng cho khán giả Việt Nam'' - ông Vinh nói.

Điểm ấn tượng nữa ở CF6 không chỉ là sự giao thoa âm nhạc giữa hai nước Việt Nam – Romania mà còn là sự kết nối thời trang giữa hai nước. Trên sân khấu của CF6, các nghệ sĩ tại dàn nhạc sẽ không chỉ mặc vest tối màu mà thay vào đó, nghệ sĩ nữ sẽ mặc trang phục áo dài, còn nam nghệ sĩ sẽ mặc những bộ vest phân khúc cao cấp. Điều này là chủ đích của Đinh Hoài Xuân với mong muốn khi các nghệ sĩ nước bạn tới Việt Nam, họ sẽ có nhiều kỷ niệm với dải đất hình chữ S này. 

NTK Thu Hiền cho biết, 70 bộ trang phục của dàn nhạc Bucharest Symphony Orchestra, các solist, nghệ sĩ biểu diễn trong hòa nhạc được thiết kế tinh tế với các gam màu đỏ, xanh lam, vàng, là màu quốc kỳ Romania. Tuy nhiên, màu sắc đó chỉ là điểm nhấn nhá trên cổ áo, cổ tay, hay nơ cài trước ngực chứ không làm mất đi vẻ trang trọng, lịch sự của vốn có của dàn nhạc trong một chương trình âm nhạc cổ điển.

Đinh Hoài Xuân biểu diễn tại buổi họp báo: 

Những tác phẩm được chọn biểu diễn trong chương trình CF6: The marriage of Figaro (Đám cưới Figaro) của Mozart, tác phẩm của nhà soạn nhạc Rossini viết cho Clarinet, những bản Valse nổi tiếng thế giới như The blue Danube (Sông Danube xanh) của vua nhạc waltz Johann Strauss II hay Waves of the Danube (Sóng sông Danube) do nhà soạn nhạc người Romania Iosif Ivanovici sáng tác… 

Ngoài ra, những bản nhạc phim nổi tiếng gắn liền với những kiệt tác điện ảnh như The Godfather, Schindler's list, Cinema Paradiso, giúp khán giả có những trải nghiệm sống động, thể hiện sự kết nối giữa âm nhạc và điện ảnh, qua đó truyền đi thông điệp của Cello Fundamento về khả năng phổ biến và lan toả của âm nhạc cổ điển.

Clip: T.Lê

Ảnh: Hoà Nguyễn